Những con số quan trọng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản năm 2022
Sáng 10/7, cử tri Nhật Bản đã đi bỏ phiếu bầu Thượng viện. Đây là thử thách lớn đầu tiên mà Thủ tướng Kishida Fumio phải đối mặt kể từ khi nhậm chức hồi cuối năm ngoái. Trong cuộc bầu cử này, các con số 55, 70, 32 và 82 sẽ là những con số mang tính chất quyết định đối với sự thành công hay thất bại của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử này.
55 và 70 ghế
Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 248 ghế, trong đó 50% số ghế sẽ được bầu lại theo định kỳ 3 năm một lần. Trong cuộc bầu cử năm nay, có 125 trong số 248 ghế ở Thượng viện sẽ được bầu lại, trong đó có 74 ghế được bầu trực tiếp ở các khu vực bầu cử, 50 ghế được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và 1 ghế được bầu bổ sung ở tỉnh Kanagawa.
Trong cuộc bầu cử này, Thủ tướng Kishida chỉ đặt mục tiêu duy trì thế đa số của liên minh cầm quyền ở Thượng viện. Điều này có nghĩa liên minh cầm quyền cần phải giành thêm 55 ghế trong cuộc bầu cử này vì họ hiện có 70 ghế ở Thượng viện chưa tới thời điểm phải bầu lại, gồm 56 ghế của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và 14 ghế của đảng Công minh.
Đây được coi là mục tiêu khá dễ dàng đối với liên minh cầm quyền, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ đối với LDP và nội các của Thủ tướng Kishida đều đang khá cao, trong khi phe đối lập đang bị chia rẽ nghiêm trọng.
32 khu vực bầu cử một ghế
Kết quả bầu cử ở 32 khu vực bầu cử một ghế có thể tác động lớn đến kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện. Không giống như các khu vực bầu cử nhiều ghế thường bị phân chia bởi các đảng cầm quyền và đối lập, các khu vực bầu cử một ghế có sự phân biệt rõ ràng giữa người thắng và người thua.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2007, LDP đã từng hứng chịu thất bại nặng nề tại các khu vực bầu cử một ghế dưới thời chính quyền của cố Thủ tướng Abe Shinzo. Khi đó, LDP chỉ giành chiến thắng ở 6 khu vực. Tổng cộng, đảng này chỉ giành được 37 ghế trong cuộc bầu cử đó.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2013, LDP đã chiến thắng ở 29 khu vực bầu cử một ghế. Tổng cộng, đảng này giành được 65 ghế trong cuộc bầu cử đó. Đây là một thắng lợi hết sức thuyết phục, tạo nền tảng ổn định cho chính quyền của cố Thủ tướng Abe.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016 và 2019, các đảng đối lập đã nhất trí chỉ giới thiệu các ứng cử viên duy nhất ở tất cả các khu vực bầu cử một ghế nhằm tạo ưu thế áp đảo trước các ứng cử viên của LDP. Tuy nhiên, chiến lược này tỏ ra không hiệu quả khi phe đối lập chỉ giành chiến thắng ở 11 khu vực năm 2016 và 10 khu vực vào năm 2019.
Trong cuộc bầu cử lần này, theo Giáo sư Uchiyama, phe đối lập chỉ đạt được đồng thuận về việc giới thiệu các ứng cử viên duy nhất ở 11 khu vực bầu cử một ghế. Ở 21 khu vực bầu cử một ghế còn lại, có 11 khu vực có 2 ứng cử viên của phe đối lập tranh cử; 9 khu vực có 3 ứng cử viên của phe đối lập tranh cử; và 1 khu vực (Kagawa) có 4 ứng cử viên ra tranh cử. Điều này có thể dẫn tới sự phân tán phiếu bầu dành cho phe đối lập.
82 ghế cần thiết cho việc sửa đổi Hiến pháp
Thế đa số 2/3 ở hai viện của Quốc hội là điều kiện tiên quyết cho việc đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp. Sau khi lực lượng ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã giành được thế đa số 2/3 ở Hạ viện trong cuộc bầu cử tháng 10 năm ngoái, dư luận rất quan tâm tới việc liệu lực lượng này có thể tiếp tục giành được thế đa số 2/3 ở Thượng viện (tức là có được ít nhất 166 trong số 248 ghế) hay không.
Hiện tại, lực lượng ủng hộ sửa đổi Hiến pháp gồm LDP, đảng Công minh, đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) và Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) cùng với nghị sĩ độc lập Seiko Hashimoto. Họ có tổng cộng 84 ghế chưa tới thời điểm bầu lại ở Thượng viện. Vì vậy, để giành được thế đa số 2/3, 4 đảng này cần giành được ít nhất 82 ghế trong cuộc bầu cử lần này.