Những điểm sáng trong mùa dịch Covid-19
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự xuất hiện nhiều dấu hiệu ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụm từ “ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” được nhắc đến nhiều lần khi phân tích, đánh giá tình hình ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống xã hội.
Bức tranh kinh tế trong tình hình dịch bệnh vẫn có những điểm sáng. Cụ thể là kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng ổn định hoặc giảm; chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước. Các ngành công nghiệp vẫn duy trì ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá. Xuất khẩu tăng trưởng khoảng 2,4% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 0,9%; của khu vực DN nhà nước tăng 6%. Nhập siêu vẫn trong tầm kiểm soát. Nông nghiệp tiếp tục được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng và quan trọng là dịch bệnh dần được kiểm soát...
Tuy nhiên, dịch Covid-19 cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác đã phần nào ảnh hưởng tình hình phát triển của cộng đồng DN. Báo cáo nhanh của các tập đoàn, tổng công ty lớn cho thấy, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể khiến tình hình tài chính của nhiều DN chuyển từ lãi sang lỗ. Mặc dù vậy, trong thời điểm “lửa thử vàng”, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có bước xoay xở linh hoạt, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh, doanh ở quy mô cần thiết, vừa đảm đương tốt các nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện tốt vai trò dẫn dắt.
Các tập đoàn, tổng công ty đều chủ động triển khai công tác phòng, chống, ứng phó dịch bệnh trên toàn hệ thống, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Điều chỉnh thu hẹp quy mô sản xuất, tận thu, cắt giảm chi phí, bảo đảm nguồn tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn duy trì chất lượng sản phẩm, giữ quan hệ với khách hàng và đối tác lâu dài, truyền thống. Chủ động tìm kiếm lao động tại chỗ để tổ chức sản xuất; từng bước đa dạng hóa nguồn cung và chủ động tìm kiếm các nguyên vật liệu phụ trợ thay thế nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, tình hình dịch bệnh, xây dựng phương án, kịch bản khác nhau để có biện pháp ứng phó kịp thời, tăng cường phát triển thị trường ngoài Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều tập đoàn, công ty đã có nhiều giải pháp phát triển. Điển hình như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện thành công các chuyến bay giữa các vùng tâm dịch, bảo đảm tốt nhiệm vụ an ninh - quốc phòng như sứ mệnh của một hãng hàng không quốc gia. Trong cơn sốt khan hiếm khẩu trang, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) huy động sáu đơn vị thành viên kịp thời triển khai sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn để phục vụ sản xuất khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19.
Mặc dù đây không phải mặt hàng phổ biến của nhiều DN trong tập đoàn nhưng các dây chuyền sản xuất đã được triển khai ngay tại các công ty may ở địa phương để cung ứng sản phẩm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu chống dịch của người dân, ổn định thị trường. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng tập trung mọi nguồn lực sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho các bệnh viện giải quyết công tác chống dịch và cung ứng cho thị trường, trong đó có gel rửa tay khô sát khuẩn với năng lực 140 tấn/ngày và không tăng giá…
Ngay trong quá trình đối phó với dịch Covid-19, các tập đoàn, tổng công ty đã đề ra nhiệm vụ phải tranh thủ cơ hội để tái cơ cấu, nâng cao khả năng quản trị rủi ro và chuẩn bị những bước đi dài hạn, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng bứt tốc khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.