Những định hướng lớn trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm

Nga Phạm

Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiết giảm hàng tỷ đồng

Nhờ áp dụng các đề tài về cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng, trong nhiều năm qua hoạt động sản xuất của Tổng công ty cổ phần Phong Phú đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi năm, hội đồng sáng kiến của Công ty tiếp nhận hàng chục ý tưởng, sáng kiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến cải tiến chi tiết các thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất đã được triển khai, ứng dụng trong thực tiễn có giá trị làm lợi cao, tiết kiệm chi phí, làm lợi cho Công ty khoảng 16,2 tỷ đồng.

Các đề tài cải tiến trọng tâm của Công ty tập trung vào việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng; xây dựng phương pháp chứng nhận năng lực và trình độ người kiểm hàng; giảm số cổng kiểm tra trên hệ thống cổng chất lượng; đào tạo và áp dụng 7 công cụ quản lý chất lượng trong giải quyết lỗi chất lượng; cải tiến phương pháp thống kê, phân tích dữ liệu, trực quan hóa báo cáo chất lượng: xây dựng sổ tay các lỗi của sản phẩm khăn; giảm tỷ lệ đứt sợi thưa ngang tại phân xưởng dệt; cải tiến layout kho – thiết lập sơ đồ khu vực kho thành phẩm; cải tiến môi trường làm việc tại khu phân xưởng Dệt; xây dựng hệ thống duy trì 5S3S…  

Hiện nay, Tổng Công ty đã đầu tư tự động hóa mọi quy trình. Nhiều máy móc dây chuyền hiện đại đã được trang bị, thay mới tại các nhà máy, bộ phận. Tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý liên tục sáng tạo và đổi mới, lan tỏa đến toàn thể cán bộ, công nhân viên. Công tác đào tạo chuẩn hóa nhân lực ở từng vị trí được chú trọng.

Từ những kết quả mà Tổng công ty CP Phong Phú đạt được đã cho thấy chương trình cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm triển khai thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các doanh nghiệp. Nhờ nâng cao năng suất, chất lượng, doanh nghiệp không chỉ tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm mà thông qua đó còn tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều năm Chính phủ đã triển khai chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020. Sau 10 năm thực hiện, có đến 99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc nâng cao nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp. Cụ thể, 98% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của mô hình tốt nhất trong đào tạo năng lực thực hiện mô hình, có nghĩa việc hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện mô hình của các đơn vị tư vấn tốt.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Từ những kết quả đạt được trong thực tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030. Với mục tiêu chung giai đoạn 2021-2030 là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%. Cùng với đó, sẽ thực hiện đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Đối với giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70 – 75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Riêng giai đoạn 2021 – 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 – 15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc. Trong giai đoạn này, chương trình cũng đặt mục tiêu sẽ tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Đối với vấn đề tăng năng suất và quản lý chất lượng, chương trình đặt ra các nhóm giải pháp chính, bao gồm phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tập trung đầu tư đổi mới công nghệ; phát triển, tăng cường tiềm lực cho hệ sinh thái phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ, cải tiến năng suất và quản lý chất lượng; nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện hoạt động phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ, cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng… Một trong những nội dung đng chú ý, doanh nghiệp là đối tượng giữ vai trò trung tâm, còn Nhà nước có vai trò khuyến khích, tạo lập môi trường và các hệ sinh thái để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng…