Những đổi mới giúp thị trường chứng khoán phát triển minh bạch
Có hiệu lực từ ngày 15/12/2016, Nghị định 145/2016/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về các hành vi và chế tài xử phạt hành chính được đánh giá là bước tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường minh bạch, bền vững…
Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 không còn phù hợp; đồng thời đảm bảo tính thống nhất Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và các quy định liên quan. Đặc biệt, để thiết lập thị trường phát triển bền vững, minh bạch, Nghị định đã bổ sung một số quy định về xử phạt các hành vi vị phạm trên thị trường. Điển hình như:
Không công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận; không mở tài khoản phong tỏa và tiếp nhận vốn huy động từ đợt chào bán...; Chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, đến tính minh bạch trong hoạt động và quản trị của công ty đại chúng…
Bên cạnh đó, các hành vi vì phạm sau cũng được điều chỉnh cụ thể như: công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; sửa đổi hành vi giả mạo hồ sơ chào bán chứng khoán chứng khoán ra công chúng, hồ sơ niêm yết; Bổ sung hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ để phù hợp với hành vi tương ứng tại Bộ luật Hình sự 2015 (tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán); bổ sung các hành vi và chế tài xử phạt vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.
Nghị định 145/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.
Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng đối với tổ chức có hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật.
Phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt 1,2 tỷ đồng và không vượt quá 2 tỷ đồng đối với tổ chức có hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật trong trường hợp có khoản thu trái pháp luật.
Mặt khác, áp dụng mức phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các tổ chức có hành vi vi phạm thực hiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi công ty, giải thể trước thời hạn, tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán, đầu tư ra nước ngoài khi chưa đáp ứng đủ điều kiện…
Trong quy định về giấy phép thành lập và hoạt động, Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi quy định phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như:
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán, khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chấp thuận;
Thứ hai, cung cấp dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính khi chưa có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Thứ ba, hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.
Mặt khác, Nghi định sửa đổi mức phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng; Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh có thông tin sai sự thật.
Ngoài các quy định xử phạt trên, Nghị định cũng quy định thêm về hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng và đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các hành vi vi phạm cụ thể quy định tại Nghị định này.
Đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Nghị định 145/2016/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 400 - 700 triệu đồng. Tổ chức có hành vi vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi.
Bên cạnh việc bổ sung, sửa đổi chế tài xử phạt hành chính, Nghị định còn bổ sung hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán, để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền.