Những dự báo lạc quan
Vững tin vào sự phục hồi kinh tế trong năm 2022, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra những dự báo lạc quan, đồng thời đề xuất giải pháp giúp hoạt động kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng có thể tăng trưởng trở lại.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh:
Nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu
Năm 2021, kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen và tới nay, thách thức vẫn còn rất nhiều, ảnh hưởng từ dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đã rất năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Điều này tạo động lực giúp một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng ấn tượng.
Bước sang năm 2022, nền kinh tế có cơ hội phục hồi mới từ việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế. Dù vậy, để đạt được kỳ vọng, chúng ta phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP... trong cả năm 2022.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam:
Nếu COVID-19 được kiểm soát, mục tiêu GDP 6,5% trong tầm tay
Với việc chấp nhận sống chung với COVID-19, kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại. Không chỉ thể hiện ở con số thống kê, nền kinh tế được hỗ trợ bởi vĩ mô vẫn ổn định, thanh khoản hệ thống tài chính tốt, doanh nghiệp vẫn tiếp cận được với tín dụng. Cũng cần phải nhấn mạnh, việc phục hồi kinh tế cần trợ lực của cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Thực ra, từ khi dịch COVID-19-19 bùng phát đến nay, Việt Nam cũng dùng chính sách tiền tệ giảm lãi suất và tạo thanh khoản, mục tiêu thanh khoản dồi dào, tăng trưởng tín dụng tốt.
Ngoài ra, cần gói cứu trợ kinh tế giúp phục hồi lại sức mua, phục hồi lại tổng cầu trong nước. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5%, thậm chí 7,5%. Đối với chính sách tài khóa, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2022 vẫn đang được dự toán ở mức 4% GDP. Việt Nam cần có kế hoạch có thể dùng những nguồn lực ngoài ngân sách để có 1 gói hỗ trợ tăng chi cho ngành y tế, tiếp tục một số chính sách miễn, giảm thuế, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Nếu trường hợp dịch COVID-19-19 được khống chế, ổn định vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% trong tầm tay.
TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Nhiều động lực cho tăng trưởng
2021 là năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Dịch bệnh khiến tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra.
Năm 2022, theo tôi, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ là xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công. Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, năm 2022, đà phục hồi kinh tế của thế giới có thể bị chậm lại, tuy nhiên cùng với động lực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc. Bên cạnh đó, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, động lực tiềm năng nhất cho tăng trưởng là đầu tư công. Việc tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, sẽ tạo đà cho răng trưởng kinh tế năm 2022.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:
Tập trung cho kinh tế số
Năm 2021, dù chịu tác động rất lớn của dịch COVID-19, nhưng Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Năm 2022, tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, tôi vẫn tin rằng, với kinh nghiệm phòng, chống dịch đã có từ năm 2020 và 2021, cộng với tốc độ phủ vắc xin phòng COVID-19 ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam lại có độ mở tương đối lớn đối với các nền kinh tế khu vực và thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu và thu hút FDI.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và kinh tế thế giới, để đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2022, Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn thúc đẩy chuyển đổi số để chuyển sang nền kinh tế số. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thì kinh tế số, chuyển đổi số chính là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho khu vực doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả những hộ kinh doanh cá thể, tạo thuận lợi tiếp cận với công nghệ, cùng với đó hình thành kho dữ liệu phục vụ cho kinh tế số, chuyển đổi số.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh
Tháo gỡ vướng mắc để du lịch sớm phục hồi
Sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, ngành du lịch đã vào cuộc, nỗ lực để phục hồi. Năm 2022, chưa thể có dự báo nào chắc chắn cho sự phát triển ổn định của ngành du lịch, do dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, cũng như có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp cho du lịch dần được mở lại và hồi phục.
Để đạt mục tiêu trên, trong năm 2022, cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận lại quá trình phòng, chống dịch cũng như các định hướng; nhận diện các vướng mắc, rào cản từ các chính sách để có giải pháp khắc phục, hoàn thiện. Đặc biệt, quá trình triển khai và phục hồi kinh tế nói chung hay du lịch nói riêng vẫn cần đồng nhất, đồng lòng cũng như đồng quan điểm mới nhanh vượt qua thời điểm đầy sóng gió.
Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Đa dạng hình thức xúc tiến thương mại
Trên thực tế, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch, doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá bởi chi phí tham gia hội chợ này tăng đều hàng năm. Vì vậy, Bộ Công Thương cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành thủy sản tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trực tiếp, nhất là tại các hội chợ có quy mô lớn ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động trực tuyến B2B cho ngành thủy sản thông qua các kênh của Bộ Công Thương tại các thị trường đang tăng trưởng tốt cũng như các thị trường tiềm năng.
Năm 2022, chắc chắn nhu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm nhà hàng, khách sạn... du lịch hồi phục. Để khai thác cơ hội thị trường, tăng trưởng tốt trong năm 2022, góp phần mục tiêu phát triển ngành đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu 16-18 tỷ USD, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Đào Quang Dũng - CEO Eastern Sun:
Chuyển đổi số là mũi nhọn phát triển kinh tế
Năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng bởi nguy cơ dịch bệnh còn tiềm tàng. Nhưng cũng nhờ những khó khăn, chúng ta mới thấy rõ những doanh nghiệp nào sở hữu sức mạnh nội tại đủ lớn để trụ vững qua đại dịch. Vì vậy, ở giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp đã thấu hiểu việc phải thay đổi tư duy, định hướng, phương thức, ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong quá trình phát triển. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế đất nước năm 2022 cũng như những năm tiếp theo.
Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, tái cấu trúc và tiến hành áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình hồi phục kinh tế cũng như doanh nghiệp còn cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, như chính sách tài chính, đào tạo, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giải quyết bài toán an sinh xã hội.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM):
Xuất khẩu sẽ tốt lên trong 2022
Năm 2021, dù xuất khẩu dệt may không như mục tiêu ban đầu, song trước những khó khăn do dịch bệnh, xuất khẩu toàn ngành vẫn duy trì mức 39 tỷ USD. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Trong năm 2022, nếu không có làn sóng dịch thứ 5, thứ 6, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu toàn ngành sẽ tăng khả quan hơn ít nhất 10%. Riêng với Thành Công, việc ký kết đơn hàng cho năm 2022 đã đến hết tháng 6/2022 và chúng tôi dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2021.
Tuy vậy, có một điều mà chúng tôi còn lo lắng, hiện dịch còn phức tạp, liên tục trong nhà máy xuất hiện nhiều ca F0, ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc, trong khi đó quy định chống dịch ở mỗi địa phương lại không giống nhau. Chúng tôi mong muốn, các địa phương có phương án chống dịch đồng nhất, để doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh cũng như không phát sinh thêm những khoản chi phí khác.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex:
Hỗ trợ của Bộ Công Thương là động lực cho xuất khẩu
Kết thúc năm 2021, dù gặp nhiều thách thức do COVID-19 song Intimex vẫn duy trì mức xuất khẩu 400.000 tấn cà phê và 600.000 tấn gạo. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của doanh nghiệp cùng hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành, cụ thể là Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất, kiến nghị kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn nhất của đại dịch. Những hỗ trợ thiết thực này có thể kể tới như: Đề xuất giảm tiền điện, giá điện; đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hay việc kịp thời gỡ vướng về lưu thông hàng hóa…
Với sự hỗ trợ trên, cùng nhu cầu của thị trường thế giới khả quan cũng như hệ thống bạn hàng lâu năm, chúng tôi hy vọng năm 2022, việc xuất khẩu của Intimex sẽ tăng trưởng tốt hơn. Thêm vào đó, việc ký kết và đi vào thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam trong thời gian qua đang tạo đà thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy vậy, cái khó nhất hiện nay với doanh nghiệp là cước vận tải biển ở mức quá cao, các thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, cần sự chung tay của rất nhiều bên trong việc tạo vùng trồng chất lượng và tạo chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phục hồi trở lại.