Những gam màu đối lập trong bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2023

Minh Lâm

Trong khi Thép và Dầu khí có một mua kinh doanh tích cực, phục hồi mạnh mẽ, Hóa chất, điện và Bất động sản… lại gây nhiều thất vọng, rơi vào chu kỳ tăng trưởng âm.

Thép và Dầu khí tăng trưởng đột biến

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 07/11/2023, có 1.166 công ty niêm yết trên 3 sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2023, chiếm 98,0% vốn hóa thị trường.

Hình 1: HPG, VJC và SSI đóng góp tăng trưởng hàng đầu

Nguồn: VNDirect
Nguồn: VNDirect

Ngành Thép vừa có một mùa kết quả kinh doanh tích cực khi nhiều doanh nghiệp sản xuất thép có kết quả khả quan trong quý III/2023, phục hồi mạnh mẽ sau mua báo lỗ năm ngoái. Theo VNDirect, tổng lợi nhuận ròng ngành Thép tính đến 30/9/2023 đã tăng gấp ba lần so với quý II/2023.

Sự cải thiện mạnh mẽ này đến từ việc biên lợi nhuận gộp tăng (tăng 0,8 điểm phần trăm so với quý trước, và tăng 8,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ) nhờ chi phí đầu vào giảm.

Hình 2: Lợi nhuận ròng quý III/2023 toàn thị trường giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022

 Nguồn: VNDirect
 Nguồn: VNDirect

Đối với nhóm Dầu khí, lợi nhuận ròng quý III/2023 tăng 2.107% so với cùng kỳ. Mức tăng ấn tượng này đến từ crack spread (chênh lệch giá của thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ nó) tăng do nguồn cung toàn cầu thắt chặt và căng thẳng ở Trung Đông. Ngoài ra, thị trường phân phối xăng dầu trong nước đã trở lại hoạt động bình thường trong 9 tháng năm 2023 sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19.

Bên cạnh 2 nhòm ngành trên, khối ngành Tài chính cũng có cải thiển trong kết quả kinh doanh khi lợi nhuận sau thuế tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ Chứng khoán và Bảo hiểm trong khi Ngân hàng giảm nhẹ.

Bất động sản, Hóa chất, Bán lẻ… quay đầu giảm mạnh

Những ngành có lợi nhuận đảo chiều từ tăng trưởng sang suy giảm bao gồm Bất động sản, Hàng và Dịch vụ công nghiệp, Dược phẩm. Những ngành duy trì giảm về lợi nhuận bao gồm Bán lẻ, Tiện ích (Điện, Nước, Khí đốt), Hóa chất, Hàng cá nhân và Gia dụng, Viễn thông.

VNDirect cho rằng, Hóa chất, Điện và Bất động sản gây thất vọng khi lợi nhuận ròng trong quý III/2023 của các công ty hóa chất tiếp tục xu hướng giảm. Tăng trưởng quý II và III/2023 của ngành Hóa chất ghi nhận giảm 62,3% và 77,3% so với cùng kỳ, do giá phân bón giảm mạnh trong khi giá khí đốt vẫn ở mức cao.

Hai công ty phân bón lớn là DPM và DCM công bố lợi nhuận ròng quý III/2023 đạt 64 tỷ đồng và 74 tỷ đồng, giảm đáng kể 94% và 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Về ngành Điện, lợi nhuận giảm mạnh 66,7% so với cùng kỳ năm 2022 do các nhà máy thủy điện ghi nhận lỗ khi thời tiết không thuận lợi. Bên cạnh đó, giá phát điện trên thị trường cạnh tranh trong quý III/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận 62,4% so với cùng kỳ năm 2022 do cạnh tranh giá gay gắt giữa các công ty lớn. Tổng cộng, nhóm Hóa chất, Điện và Bán lẻ đã kéo giảm 7,1% mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2023 toàn thị trường.

Theo VNDirect, chi phí lãi vay cao đã ăn mòn tổng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp, dù Ngân hàng Nhà nước đã điều hành cắt giảm lãi suất nhiều lần. Chi phí lãi vay hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tiếp tục tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ đòn bẩy đạt mức thấp kỷ lục 60,7% trong Q3/23, thấp hơn 0,3 điểm % so với quý trước do các công ty đều tập trung vào trả nợ.  

Triển vọng nào cho quý IV/2023?

Theo phân tích của chuyên gia Công ty Chứng khoán VPS, trong quý IV/2023, khả năng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện. Giai đoạn cuối năm luôn là thời điểm sản xuất kinh doanh nhộn nhịp hơn.

Các ngành sản xuất gia tăng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết. Giai đoạn cuối năm cũng là giai đoạn người tiêu dùng “chi bạo” trong mua sắm so với các tháng trước đó và là yếu tố thuận lợi tạo đà tăng trưởng trong quý cuối năm.

Với nhu cầu phục hồi, một số nhóm cổ phiếu như Hóa chất, Bán lẻ, Tiện ích có thể phục hồi trong quý IV/2023.

Vốn đầu tư công được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong giai đoạn cuối năm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, giải ngân đạt hơn 479 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương 67,4% kế hoạch cả năm.

Vì vậy, chuyên gia VPS kỳ vọng, giải ngân đầu tư công từ nay đến hết năm 2023 sẽ tiếp tục được tăng tốc, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, một số nhóm ngành có thể tiếp tục gia tăng lợi nhuận cuối năm 2023 như Dầu khí, Tài nguyên cơ bản, Xây dựng và vật liệu.

VPS khuyến nghị, trong giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư nên chú ý kiểm soát số lượng cổ phiếu nắm giữ cũng như giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý trong danh mục.

Nhà đầu tư tham khảo một số nhóm cổ phiếu có thể có diễn biến tích cực: Dầu khí thượng nguồn (PVS, PVD, PVC) trước câu chuyện dự án Lô B - Ô môn được thúc đẩy triển khai. Với nhà đầu tư theo đuổi trường phái đầu tư giá trị có thể chọn lựa cổ phiếu để mua gom tích lũy với tầm nhìn từ 3- 6 tháng tới như Hóa chất, Bất động sản khu công nghiệp, Thép...