Những giải pháp trên sân nhà
Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may đang tìm hướng nâng cao sản lượng tiêu thụ nội địa với mục tiêu chiếm khoảng 50% doanh thu.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), không phải đợi đến bây giờ khi tình hình xuất khẩu gặp khó khăn các doanh nghiệp trong tập đoàn mới tính tới thị trường nội địa.
Ưu tiên thị trường nội địa
Trong năm qua, doanh nghiệp thành viên của Vinatex đã nỗ lực đầu tư sản xuất, chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường trong nước.
Nhiều đơn vị có tăng trưởng cao như Tổng công ty May Đức Giang - tăng 27%; các công ty may Tân Châu, Đáp Cầu, Bình Minh… tăng hơn 16%. Trong đó, hệ thống phân phối của công ty CP Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam (Vinatexmart) đóng vai trò quan trọng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Một trong những giải pháp mà tập đoàn dệt may thực hiện nhằm nâng cao sản lượng tiêu thụ nội địa là việc mở rộng hệ thống siêu thị mang tên Vinatexmart. Với giải pháp này, đến nay Vinatexmart đang sở hữu 82 siêu thị tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngoài ra, các đơn vị thành viên của Vinatex cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về khắp các tỉnh, thành phố với khoảng 4.000 điểm bán hàng. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng dệt may chất lượng tốt, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng. Nhờ vậy, năm 2012, Vinatex có doanh thu nội địa gần 1 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị doanh thu, một kết quả đáng khích lệ so với mức 15% của những năm trước. Với những giải pháp đó, năm nay tập đoàn phấn đấu tổng doanh thu tăng 12%, trong đó doanh thu nội địa chiếm khoảng 50%.
Còn ông Phạm Phú Cường - Tổng giám đốc công ty cổ phần May Nhà Bè thì cho biết, bên cạnh giữ vững thị trường xuất khẩu, may Nhà Bè còn tăng cường mở rộng thị trường nội địa bằng cách phối hợp với Vinatex - Mart xây dựng siêu thị mini tại công ty để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Tcông ty May 10 thì ưu tiên cho thị trường trong nước cả về nguồn nhân lực và tài chính. Đặc biệt, May 10 tập trung cho dòng sản phẩm mới mang nhãn hiệu GRUSZ và các dòng sản phẩm mang thương hiệu May 10 theo hướng chuyên biệt.
Nỗ lực cạnh tranh
Ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex cho biết, tại thị trường nội địa - nơi tập trung 90 triệu dân nhưng toàn ngành cũng mới đạt giá trị sản phẩm bán ra khoảng 4 tỉ USD/năm.
Nguyên nhân chính là việc triển khai sản xuất và phân phối hàng nội địa chưa thực sự hiệu quả, chưa thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, nguồn nhân lực của ngành còn thiếu và chưa đáp ứng kỳ vọng cho phát triển, nhất là đội ngũ kỹ thuật, thiết kế, marketing, quản lý…
Để đưa hàng hóa vào thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã phải tính tới phương án nhờ một nhà phân phối khác phân phối hoặc chỉ chuyên bán sỉ cho các đầu mối. Điều đáng nói là số lượng sản phẩm tiêu thụ sản phẩm nội địa ở những doanh nghiệp này thường chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Đây là điều mà mà nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể chấp nhận với một thị trường rộng lớn 90 triệu dân như Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có một “nghịch lý” nữa là do phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu nên giá thành của dệt may Việt Nam thường cao, chỉ phù hợp với thị trường quốc tế, khó phù hợp với thị trường nội địa.Do vậy, để giải được bài toán thị trường nội địa, trước hết các doanh nghiệp dệt may cần phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm phát triển nguồn nguyên liệu. Bởi nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ cho người Việt Nam…