Những kỷ lục buồn của kinh tế - tài chính thế giới tuần qua

Theo Cafef

Thông tin kinh tế u ám từ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tác động sâu sắc đến các thị trường chứng khoán và thị trường vàng, dầu thế giới. Chỉ số Dow Jones ngày 19/02 đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ.

 Thị trường vàng, dầu

 Thị trường vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao mới. Nguyên nhân chính là nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn khi lo ngại các đồng nội tệ lớn trên thế giới sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực khi chính phủ phải chi tiêu quá nhiều để vực dậy các nền kinh tế.

 Phiên giao dịch cuối tuần tại thị trường New York, lần đầu tiên trong gần 1 năm, giá vàng vượt mức 1.000USD/ounce tại thị trường New York. TTCK thế giới mất điểm mạnh, suy thoái kinh tế ngày một tệ hại hơn.

 Giá vàng giao tháng 4/2009 tăng 25,70USD/ounce tương đương 2,6% lên mức 1.002,20USD/ounce tại thị trường New York.

 Giá dầu giao tháng 3/2009 hạ 20 cent tương đương 0,5% xuống mức 39,28USD/thùng tại thị trường New York. Giá dầu hạ 12% trong năm 2009. Phiên giao dịch ngày 19/02, giá dầu tăng 14% và đóng cửa tại mức 39,48USD/thùng.

 Nguyên nhân khiến giá dầu không thể tăng là triển vọng u ám của nền kinh tế. Barclays Capital đã giảm dự báo về giá dầu năm 2009. Mức giá dầu Brent tại thị trường London sẽ đứng ở mức trung bình 60USD/thùng bởi triển vọng kinh tế đi xuống.

 Dự báo trước đó của tổ chức này cho giá dầu năm 2009 là 71USD/thùng. Nhu cầu dầu thế giới năm 2009 sẽ giảm 1,25 triệu thùng/ngày.

 Thị trường chứng khoán thế giới

 Ngày 17/02, Tổng thống Obama chính thức ký chấp thuận gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 787 tỷ USD. Tuy nhiên lo ngại về việc kế hoạch trên chưa phải là “liều thuốc đủ mạnh” cho những căn bệnh hiện nay của nền kinh tế và ngành tài chính, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm.

 Chỉ số Dow Jones ngày 19/02 đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và báo cáo của chính phủ cho thấy sản xuất của Mỹ đi xuống nhiều hơn dự kiến, số lượng nhà xây mới tháng 1-2009 thấp kỷ lục.

 TTCK có tuần mất điểm mạnh nhất trong vòng 3 tháng khi có tin nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ quốc hữu hóa một số ngân hàng đang gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay, dẫn đến việc nhà đầu tư lo ngại các cổ đông của ngân hàng sẽ mất vai trò sau khi chính phủ giải cứu. Hiện đã có 14 ngân hàng của Mỹ bị đóng cửa.

 TTCK châu Á cũng liên tục giảm điểm và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trong phiên giao dịch cuối tuần khi bởi đón nhận một loạt các tin xấu từ nền kinh tế lớn nhất khu vực và lớn thứ hai thế giới là Nhật Bản.

 Phiên cuối tuần (ngày 20/02) chỉ số MSCI của thị trường châu Á – Thái Bình Dương hạ 2,3% xuống mức 75,96 điểm tại thị trường Tokyo. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số này từ ngày 20/11/2008.

 Chỉ số này hạ 7% trong tuần và từ đầu năm 2009 cho đến nay hạ 15%. Chỉ số này hạ 43% trong năm 2008.

 Việc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong năm 2008 và năm 2009 đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu mất khoảng 30 nghìn tỷ USD.

Kinh tế Mỹ bên bờ vực giảm phát
FED cho rằng kinh tế Mỹ năm 2009 có thể suy giảm từ - 0,5% đến - 1,3%. Tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2009 có thể tăng lên mức 8,8%.

Chủ tịch FED tại St. Louis trong bài phát biểu mới nhất đã coi đây là mối rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế. Giá tiêu dùng tính theo năm có thể giảm với mức độ mạnh nhất trong hơn nửa thế kỷ. Các chuyên gia dự đoán tháng 1/2009, giá hạ khoảng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm nhiều thông tin u ám về kinh tế châu Á

 GDP của Nhật Bản đã sụt giảm 12,7% trong quí 4/2008 do xuất khẩu và sản xuất đi xuống kỷ lục và là quý suy giảm thứ 3 liên tiếp. Mức đi xuống của kinh tế Nhật vượt mọi dự báo của các chuyên gia. Chỉ số Topix của thị trường Nhật đóng cửa ở mức thấp nhất trong 25 năm.

Ngân hàng Trung ương Nhật cho biết họ sẽ mua khoảng 10,7 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp từ các tổ chức tài chính và mở rộng chương trình cho vay.

 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật thông báo sẽ tiến hành mua trái phiếu xếp loại Á hoặc cao hơn từ ngày 04/03 cho đến hết ngày 30/09. Ngân hàng Trung ương Nhật không thay đổi lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0,1%.

Các nhà chức trách Đài Loan công bố kinh tế lãnh thổ này suy giảm 8,36% trong quý 4/2008. Kinh tế Đài Loan quý 3/2008 (sau khi điều chỉnh với tỷ lệ lạm phát) suy giảm 1%. Với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế Đài Loan chính thức bước vào suy thoái.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm "bốc hơi" tổng cộng 93 tỷ USD tài sản tiền mặt và chứng khoán của giới triệu phú Hongkong, 72% triệu phú bị thiệt hại trên thị trường chứng khoán.

 Chỉ số chứng khoán Hang Seng mất hơn nửa giá trị trong năm 2008. Tài sản trung bình của các triệu phú Hongkong cũng giảm từ 4,6 triệu HKD xuống còn 3,4 triệu.

 Một vụ lừa đảo lớn bị phát hiện

 Mỹ phát hiện thêm một vụ “Madoff” thứ hai. Tổng số tiền bị lừa đảo lên tới 8 USD. Thủ phạm vụ lừa đảo lớn này là tỷ phú người Mỹ R. Allen Stanford.

 Ngành ô tô Mỹ tiếp tục kêu cứu

 Góp phần làm căng thẳng thêm tình hình kinh tế Mỹ, hai hãng xe hơi lớn nhất nước này là General Motors (GM) và Chrysler tiếp tục xin được vay 21,6 tỷ đô la từ chính phủ Mỹ và khẳng định khả năng có thể sẽ bị phá sản nếu chính phủ không ra tay. Hai hãng này cũng dự kiến cắt giảm thêm tổng số 50.000 việc làm trong năm 2009.

 Nhóm công ty thuộc ngành sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô Mỹ cũng kêu cứu, tổng số tiền họ đề nghị được hỗ trợ để ngăn khả năng phá sản là 25,5 tỷ USD.

 Chi nhánh của General Motors tại Thuỵ Điển đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Số phận của chi nhánh này giờ sẽ thuộc quản lý của hãng GM tại Mỹ.

Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Thuỵ Điển từ chối hỗ trợ tài chính cho Saab.