Những lưu ý đối với hành khách sử dụng phương tiện công cộng
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang có diễn biến phức tạp, ngày hôm nay (11/3), Bộ Y tế đã ban hành Khuyến cáo cho Hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.
Theo Bộ Y tế, việc ban hành này nhằm đưa ra các khuyến cáo chi tiết cho từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm giúp cộng đồng có đầy đủ kiến thức để chủ động thực hành các hành vi có lợi cho sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, những việc hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối cần thực hiện để phòng tránh bệnh COVID -19 gồm có:
1. Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng;
2. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở;
3. Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định;
4. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi: ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông;
5. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông;
6. Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (Ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga,…);
7. Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông;
8. Khi kết thúc chuyến đi, nếu có xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở: Liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã đi. Đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Bộ Y tế kêu gọi người dân luôn giữ gìn sức khỏe và chung tay đẩy lùi bệnh COVID-19 bằng những hành động nhỏ nhưng thiết thực để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Khuyến cáo cho người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.
Theo đó, để phòng tránh lây lan COVID-19 ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai, phổ biến nội dung khuyến cáo cho người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.
Cụ thể, trước khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải tự theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu xuất hiện các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, tư vấn, điều trị, đồng thời, chủ động cách ly tại nhà; không được đi làm trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế; chuẩn bị các trang bị cần thiết đủ cho thời gian làm việc.
Trong khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc, trao đổi với hành khách. Chủ động thực hiện và hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang đúng cách, che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp.
Cùng với đó, người điều khiển phương tiện giao thông cần sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh, không khạc, nhổ bừa bãi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây khi có điều kiện hoặc sử dụng sản phẩm vệ sinh tay. Chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.
Trong quá trình làm việc, nếu người điều khiển phương tiện hoặc hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thông báo với đơn vị quản lý, đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Sau khi trả khách phải khử khuẩn và vệ sinh cá nhân.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở quản lý vận tải triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện, đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời thông tin, phản ánh các vướng mắc về Bộ Y tế.