Những mặt hàng đang ế ẩm nhất hiện nay
(Tài chính) Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tại thời điểm 1/4/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm 2013, cao hơn mức tăng 13,4% của cùng thời điểm tháng trước.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2014 ước đạt 238,9 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với tháng 3 và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 939,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá đạt mức tăng 5,5%, cao hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm 2013).
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân sức mua tháng 4 tăng nhẹ là do giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định. Đặc biệt, nhiều mặt hàng trên thị trường có chương trình khuyến mãi, giảm giá đã kích thích tiêu dùng trong tháng của người dân. Ngoài ra, tháng 4 lại có nhiều ngày lễ lớn nên dự kiến nhu cầu mua sắm và hoạt động dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí sẽ sôi động hơn.
Riêng về tình hình hàng tồn kho trong thời gian vừa qua, Tổng cục thống kê cho biết, tại thời điểm 01/4/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm 2013, cao hơn mức tăng 13,1% của cùng thời điểm năm trước và mức tăng 13,4% của cùng thời điểm tháng trước. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp nhìn chung vẫn gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 123,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 68,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 62%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 58,6%.
Số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 3 tháng đầu năm nay là 80,7%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như: Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 174,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 145,7%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế 111%; sản xuất kim loại 103,4%.
Riêng về chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp, tại thời điểm 1/4/2014 tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7%.
Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 2,5%; công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.