Những mối nguy "rình rập" các ngân hàng châu Âu
Trên thực tế, dưới ảnh hưởng của chính sách nới lỏng định lượng (QE), các ngân hàng vốn thường chuyển đổi nguồn tiền gửi ngắn hạn thành tín dụng dài hạn đã nhận thấy được sự mất an toàn của tín dụng.
Những dấu hiệu tăng trưởng của kinh tế châu Âu gần đây cho thấy năm 2019 có thể là một năm phức tạp hơn dự kiến đối với các ngân hàng châu Âu. Ngoài việc nới rộng chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các điều kiện kinh tế cũng không mấy thuận lợi đối với hệ thống ngân hàng khu vực này.
Bên cạnh đó, các ngân hàng này còn chịu ảnh hưởng bất lợi từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, cũng như môi trường kinh tế kém sáng và cạnh tranh diễn ra gay gắt. Có thể nói, các ngân hàng châu Âu hiện đang đối mặt với một số mối nguy hiểm tiềm tàng dưới đây.
Đầu tiên là tỷ lệ lãi suất âm đe dọa sự mất an toàn. Thách thức đầu tiên của các ngân hàng châu Âu là tiếp tục gặt hái lợi nhuận trong một thế giới mà tiền vay đã trở nên gần như miễn phí do chịu ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ hết sức dễ dãi mà ECB đang áp dụng.
Trên thực tế, dưới ảnh hưởng của chính sách nới lỏng định lượng (QE), các ngân hàng vốn thường chuyển đổi nguồn tiền gửi ngắn hạn thành tín dụng dài hạn đã nhận thấy được sự mất an toàn của tín dụng.
Thời gian gần đây, trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang ngày càng xấu đi, hy vọng của các ngân hàng châu Âu có thể ghi nhận lãi suất tăng đã biến mất. Nguy hiểm hơn, đối với các chủ ngân hàng, ECB đã mở ra cơ hội cho phép cắt giảm thêm lãi suất tiền gửi (vốn đã ở mức âm) đối với các khoản dự trữ dư thừa mà các ngân hàng ghi nhận mỗi ngày.
Trong những năm gần đây, các ngân hàng châu Âu đã được hưởng lợi từ một hiện tượng đặc biệt, đó là chi phí rủi ro được áp dụng ở mức cực thấp. Nói cách khác, rất hiếm khi xảy ra tình trạng phá sản, khách hàng vẫn duy trì được khả năng thanh toán và rủi ro cho vay tiền gần như bằng không.
Tuy nhiên, đây lại là một kịch bản bất thường mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính sách tiền tệ của ECB. Nếu nhìn vào những bất ổn theo chu kỳ như sự sụt giảm tới 1,5% sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng Sáu, nhiều khả năng chính sách trên có thể sẽ được thay đổi.
Mới đây, Commerzbank đã thông báo tăng gấp đôi chi phí rủi ro trong quý II/2019, trong đó có đề cập đến "các trường hợp riêng lẻ". Các ngân hàng tại Pháp cũng phải chịu chung số phận. Điển hình là ngân hàng Crédit Agricole đã tăng 60% chi phí rủi ro.
Khi căng thẳng thương mại và địa chính trị ngày càng sâu sắc, những trường hợp riêng lẻ kiểu này có nguy cơ sẽ phổ biến rộng rãi. Hiện tại, chưa có dấu hiệu các ngân hàng tiến hành cải cách chính sách tiền gửi, bởi “các cỗ máy tín dụng vẫn đang chạy ở tốc độ tối đa”. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2019, ngân hàng UniCredit đã tiết lộ về sự sụt giảm lãi suất tín dụng lên tới 14%.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành công nghiệp ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm từ 5-6%. Theo một báo cáo của McKinsey, công ty tư vấn tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, từ 5 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng này chỉ giới hạn ở mức 2% trên toàn thế giới.
Cùng với đó, trong bối cảnh của một cuộc cách mạng công nghệ, các ngân hàng đang chứng kiến mảng dịch vụ trung gian tài chính của họ ngày càng bị đe dọa.
Báo cáo của McKinsey cho biết: "Những sức mạnh kép của đổi mới công nghệ (và dữ liệu) cùng những thay đổi trong môi trường quy chế có tính chất chính trị-xã hội rộng rãi hơn đang mở ra nhiều hướng mới của hệ thống trung gian tài chính cho những người mới tham gia".
Trong thanh toán, những gã khổng lồ như PayPal, Stripe hay AliPay cũng đã tự áp đặt các luật lệ trong một vài năm. Trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng mới (như N26 hoặc Revolut) cũng đang thu hút lượng khách hàng ngày càng tăng.
Theo ước tính của ATKearney (công ty tư vấn quản lý của Mỹ), vào năm 2023, khoảng 50 đến 85 triệu người châu Âu hoặc khoảng 20% dân số trên 14 tuổi sẽ là khách hàng của những ngân hàng mới kiểu này. ATKearney cho biết: "Các ngân hàng truyền thống sẽ chịu áp lực tìm kiếm đối tác hoặc tự sắp xếp lại".
Bên cạnh đó, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, các chính quyền châu Âu đã tăng cường quy định nhằm xử lý một ngành công nghiệp có nguy cơ chệch hướng. Theo Ngân hàng trung ương Pháp (BF), các ngân hàng nước này đã tăng hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu, lên con số 296 tỷ euro trong giai đoạn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 kéo dài đến năm 2016.
Tuy nhiên, phong trào này chưa kết thúc. Ngoài những Chuẩn mực kế toán quốc tế số 16 (IFRS 16), các ngân hàng châu Âu còn phải đối mặt với sự chuyển đổi các quy tắc đảm bảo an toàn Basel III, đòi hỏi tăng nhu cầu vốn lên trung bình 24%, tương đương 135 tỷ euro. Bên cạnh đó, các chuẩn mực pháp lý khác cũng ảnh hưởng đến mô hình kinh tế của họ, trong đó có DSP2 (thanh toán), MiFID II (thị trường tài chính), RGPD (bảo vệ dữ liệu)…
Cuối cùng là nguy cơ rửa tiền. Ở châu Âu, làn sóng tranh chấp nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dường như cuối cùng cũng đã chấm dứt. Tuy nhiên, các khoản tiền phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản và việc thao túng các chỉ số lãi suất Libor và Euribor tập trung vào các vụ việc khác có thể gây ra chi phí tốn kém cho các ngân hàng.
Điển hình là hai ngân hàng UBS và HSBC phải chịu các khoản phạt nặng khi bị các quốc gia châu Âu nhắm làm mục tiêu trong cuộc chiến chống gian lận thuế. Mới đây, ngân hàng Anh đã đồng ý trả gần 300 triệu euro để kết thúc một cuộc điều tra hình sự về tội "rửa tiền" và "gian lận thuế" tại Bỉ.
Các ngân hàng Bắc Âu, trong đó đầu tiên là ngân hàng Danske Bank, cũng nằm trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ và châu Âu vì đã chuyển quá nhiều nguồn tiền đáng ngờ.
Các vụ bê bối rửa tiền cũng có thể làm các ngân hàng Hà Lan điêu đứng. Cách đây ít ngày, ABN Amro đã chi khoản tiền 114 triệu euro để xử lý phân tích 5 triệu tài khoản trong ngân hàng bán lẻ của mình trong các cuộc điều tra liên quan đến rửa tiền.