Những “món hời” trên thị trường M&A
(Tài chính) Không chỉ xuất phát từ nhu cầu tái cơ cấu trong dài hạn, thực tế cho thấy nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh cũng sẽ là nguyên nhân đẩy mạnh làn sóng M&A trong thời gian tới đây.
Năm 2013, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã giảm tốc so với tốc độ chung của vài năm trở lại đây, khi giá trị các thương vụ được tính toán chỉ dao động quanh mức 4 tỷ USD, thấp hơn con số kỷ lục của năm 2012 là 5,1 tỷ USD. Song với một thị trường non trẻ và còn đầy tiềm năng như Việt Nam, M&A được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới, khi mà xu thế tái cơ cấu nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng bài bản và thực chất hơn.
Thuận bên mua, vừa bên bán
Có thể thấy làn sóng M&A đang đặc biệt được đẩy mạnh trong các ngành sản xuất kinh doanh kém hiệu quả những năm vừa qua như vật liệu xây dựng, thủy sản, phân phối bán lẻ, bất động sản… Đã có nhiều ông lớn được điểm mặt trong các thương vụ này khiến người ngoài cuộc không khỏi ngạc nhiên.
Nổi bật trên thị trường sản xuất hàng tiêu dùng là Masan Consumer với chiến lược dồn dập mua lại các thương hiệu sản xuất có tiếng tăm để rộng đường trở thành đế chế hàng tiêu dùng lớn mạnh tại Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, Masan Consumer hoàn thành thương vụ mua lại 3 công ty tiêu dùng lớn của Việt Nam là Vinacafe, Proconco và Vĩnh Hảo.
Cũng trong tháng 4/2013, doanh nghiệp này đã thông báo sắp hoàn tất thương vụ mua lại bia Phú Yên, một công ty chuyên sản xuất bia cho Sabeco. Không khó để nhận thấy chiến lược tăng trưởng để trở thành nhà sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng lớn mạnh của doanh nghiệp này qua các bước đi. Có thể nói, thông qua Masan Consumer, Tập đoàn Masan đang tìm cách mở rộng và phát triển các công ty vệ tinh xung quanh, nhằm cạnh tranh với các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng đang tiến vào Việt Nam ngày một đông hơn.
Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, không chỉ kẻ “thất bát” rơi vào thế bị thâu tóm, mà ngay cả thương hiệu đang ăn nên làm ra cũng không đứng ngoài cuộc. Đáng nói là cái giá bỏ ra trong nhiều thương vụ dường như đều làm thỏa lòng cả bên mua và bên bán.
Điển hình như thương vụ Tập đoàn PT Semen Gresik (Indonesia) do Nhà nước sở hữu chi phối đã mua lại 70% cổ phần Công ty Xi măng Thăng Long với giá khoảng 230 triệu USD. Mức giá này khiến nhiều người giật mình, bởi nó lớn gấp chục lần giá trị của doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Song với phía mua là Tập đoàn PT Semen Gresik, cái giá phải trả không thấm vào đâu so với cái lợi mà tập đoàn được hưởng khi có điều kiện đẩy nhanh mở rộng sản xuất và quay trở lại chiếm lĩnh thị trường Indonesia vốn đang thiếu nguồn cung trầm trọng.
Từ phía bên được mua, mức giá như mơ này thực sự mang đến một thương vụ quá hời, giúp Tập đoàn Geleximco – đơn vị từng nắm giữ xi măng Thăng Long có cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp và dòng tiền tốt hơn sau một thời gian đầu tư đa ngành dàn trải.
Tương tự như vậy, hồi đầu năm dư luận hết sức xôn xao trước thông tin Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan đã mua 85% cổ phần của Prime Group, nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Mức giá được tiết lộ là gần 5.000 tỷ đồng. Đáng nói là cái tên Prime gây khá nhiều bất ngờ khi nằm trong danh sách doanh nghiệp bị thâu tóm, bởi đây là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay các bên tham gia thương vụ vẫn khẳng định đây là cơ hội kinh doanh tốt cho cả đôi bên. Đồng thời, bộ máy lãnh đạo, chiến lược hoạt động, quản lý… vẫn đang được duy trì như trước đây.
Lĩnh vực bất động sản trong năm qua tuy không quá rầm rộ, song vẫn tồn tại những cơn “sóng ngầm”. Khá nhiều dự án có triển vọng đã lặng lẽ đổi chủ với mức giá hời với bên mua song cũng vừa lòng bên bán. Bên cạnh những dự án được “đẩy đi” do điều kiện tài chính của chủ đầu tư gặp khó khăn, cần phải cân đối dòng tiền, vẫn có thương vụ tạo ra lợi nhuận đáng kể. Điển hình là thương vụ Tập đoàn VinGroup đã chuyển giao tòa nhà Vincom A-Center cho Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) với giá 9.823 tỷ đồng (tương đương 470 triệu USD). Thương vụ này giúp VinGroup thu lợi nhuận khoảng 4.300 tỷ đồng (tương đương 205 triệu USD).
Có thể thấy đặc điểm chung của các thương vụ M&A trong năm vừa qua là mua lại rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng giá trị gia tăng. Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sohovietnam, với những ngành, lĩnh vực đã mở rộng và phát triển quá nhu cầu thực của nền kinh tế, đây chính là thời điểm để thanh lọc các đơn vị làm ăn kém hiệu quả, cũng như loại bỏ các lĩnh vực sản xuất trái ngành để tập trung vào ngành nghề cốt lõi. Đó là lợi ích chính mà các doanh nghiệp bị thâu tóm được hưởng lợi từ M&A.
Trong khi đó, bên thâu tóm doanh nghiệp cũng coi đây là cơ hội vàng để mở rộng và phát triển. Theo kết quả thu được mà Báo cáo khảo sát thị trường M&A năm 2013 của Công ty kiểm toán KPMG cho biết, lý do chính để các nhà đầu tư thực hiện M&A tại Việt Nam là để tiếp cận thị trường rộng lớn với dân số 90 triệu người và thu nhập đang ngày càng cao (81% lựa chọn). Bên cạnh đó là nhằm mở rộng kinh doanh, hoặc tiếp cận các lĩnh vực mới đang tăng trưởng (59% lựa chọn). Lợi nhuận tài chính dường như không phải mục tiêu được đặt lên hàng đầu vào thời điểm này.
Hướng đi chiến lược không chỉ trong dài hạn
Không chỉ xuất phát từ nhu cầu tái cơ cấu trong dài hạn, thực tế cho thấy nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh cũng sẽ là nguyên nhân đẩy mạnh làn sóng M&A trong thời gian tới đây. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố ngày cuối tháng 12 vừa qua, trong năm 2013, 65,2% doanh nghiệp trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn. Tỷ lệ cao hơn tăng lên so với năm 2012, cho thấy nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất vẫn chưa theo đúng kỳ vọng của doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp còn khó đáp ứng các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn dài hạn, thì lời khuyên được VCCI đưa ra là doanh nghiệp phải có kế hoạch huy động vốn từ các nguồn thích hợp khác. Chẳng hạn huy động vốn từ các quỹ đầu tư, bán cổ phần cho các cổ đông chiến lược… đang là cách mà các doanh nghiệp cần quan tâm để huy động nguồn vốn dài hạn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, trong thời điểm hiện nay, việc mua đứt doanh nghiệp sẽ nhanh chóng và có giá hời hơn so với thâu tóm qua các giao dịch chứng khoán trên sàn.
Ông Hải phân tích, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện còn nhỏ, tính thanh khoản thấp. Do đó, thị trường này chưa thật sự thu hút nhà đầu tư, khiến khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp những trở ngại nhất định. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế tuy đã có dấu hiệu tích cực song vẫn ẩn chứa một số rủi ro nhất định cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó thái độ của các nhà đầu tư còn đang e ngại rằng doanh nghiệp khó đạt được kết quả kinh doanh như mong muốn, khoản đầu tư của họ khó sinh lời.
Vì vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực M&A cho rằng, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến doanh nghiệp có thể chấp nhận mức định giá vừa phải để thu hút vốn cho các kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Các nhà đầu tư cũng được lợi như tìm được các đối tác có kinh nghiệm và am hiểu thị trường trong nước. Tuy nhiên, cạnh tranh sẽ ngày càng khó khăn hơn để trở thành người được chọn.
Hạn chế của các công ty Việt Nam hiện nay là việc công khai dữ liệu cũng như các thông tin về thị trường còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể tự mình chào hàng và thường phải chờ đợi nhà đầu tư tìm đến hoặc thuê chuyên gia tư vấn để có được phi vụ được giá nhất. Bên cạnh đó, kỳ vọng về giá bán vẫn giữ ở mức khá cao chính là một trong những lý do chính dẫn đến sự thất bại của một số thương vụ.