Những ngân hàng nào không được bảo lãnh bán nhà ... “trên giấy”?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố danh sách 42 ngân hàng thương mại đủ điều kiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng. Đáng chú ý, trong danh sách vừa được phê duyệt, không có tên 4 ngân hàng Việt.
Theo đó, 4 ngân hàng Việt không có tên xuất hiện trong bảng danh sách này gồm 3 ngân hàng từng bị mua lại với giá 0 đồng là OceanBank, GPBank và CB (VNCB cũ). Ngoài ra, còn có một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt - DongABank.
Theo Thông tư 13/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2015 ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng, ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai phải đảm bảo 2 điều kiện: Trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.
Vẫn theo thông tư này, kể từ ngày 15/11/2017, các ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho từng bên mua trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua nhà.
Theo quy định tại Thông tư này, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (gọi là bảo lãnh nhà ở) là bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, ngân hàng thương mại cam kết với bên mua, bên thuê mua (gọi chung là bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không hoàn lại hoặc hoàn lại không đầy đủ số tiền đã nhận ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết cho bên mua; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho ngân hàng thương mại.
Xung quanh việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định mới này, mặc dù đánh giá đã đưa ra vấn đề cụ thể, tuy nhiên TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, Thông tư 13 chưa đưa ra biện pháp, chế tài trong trường hợp các chủ đầu tư không thực hiện việc bảo lãnh đó thì có biện pháp gì hay không?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trên thực tế trong nhiều trường hợp chủ đầu tư khi xây dựng một dự án, họ quảng cáo có ngân hàng này đứng ra bảo lãnh. Tuy nhiên, không ai biết được rằng các hợp đồng mua bán có được bảo lãnh không?
Hay trong nhiều trường hợp chủ đầu tư bỏ qua bước đó, thậm chí ngay người mua nhà cũng bỏ qua bước đó, khi họ thấy rằng chủ đầu tư uy tín, đã mua nhà từ trước nên không cần bảo lãnh nữa, thành ra cũng chưa có gì bảo đảm người mua nhà sẽ nhận được bảo lãnh.
Theo vị chuyên gia Tài chính – ngân hàng này, ngay cả sau khi Thông tư 07/2015 đưa ra quy định trên, sau đó Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có thông tin cho đại chúng biết có bao nhiêu bảo lãnh của ngân hàng trong thời gian vừa qua.
“Đặc biệt, cái mọi người quan tâm liệu có tranh cãi gì về bảo lãnh hay không? Vì ông ngân hàng bảo lãnh là một chuyện nhưng đến lúc người dân đòi tiền thì hai bên có thể gây ra tranh cãi, thành ra trên góc độ thực tế, ngay chính ông làm việc trong ngân hàng cũng chưa có sự thẩm định về tính hiệu quả của việc bảo lãnh này”, ông Hiếu cho biết.