Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm 70% khoản nợ tín chấp
Thay vì để các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm hoàn toàn khi rủi ro xảy ra, theo nhiều chuyên gia, cần thiết phải điều chỉnh nếu doanh nghiệp phá sản, ngân hàng chịu thiệt 30%, quỹ chịu 70%. Khi có cơ chế chia sẻ rủi ro, chia sẻ thông tin giữa các chủ thể sẽ không còn cảnh “ngồi chơi” và doanh nghiệp (DN) có kênh tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Liên tục các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được ra đời và đưa vào thực thi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có sự đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động.
Quỹ bảo lãnh kém hiệu quả
Kỳ vọng vào quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ đáp ứng mong mỏi của DN trong việc hỗ trợ tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, nhưng hơn 16 năm qua, số lượng quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập chỉ dừng lại ở con số rất khiêm tốn là 27; bảo lãnh được hơn 4.161 tỷ đồng trên tổng số 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay DNNVV, tương đương 3,2%; phải trả nợ thay cho DN 8,6%.
Một trong những nguyên nhân khiến quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động kém hiệu quả là vì sợ rủi ro, các quỹ đã đặt ra quy định chặt chẽ như phải có tài sản đảm bảo giống các ngân hàng thương mại, khiến DNNVV không thể tiếp cận được vốn.
Vì vậy, để quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động hiệu quả, thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các DNNVV, mới đây Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang triển khai việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua quỹ.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho rằng vấn đề DN thiếu vốn, ngân hàng có vốn mà khó cho vay đã nói nhiều. “Vấn đề ở đây là cần sớm tìm mẫu số chung thỏa mãn điều kiện cả hai bên để giải quyết vướng mắc”, ông Tú nói.
Trong khi đó, các chuyên gia đề nghị NHNN phải tìm cách thức tiếp cận mới để giải quyết bài toán tín dụng hiện nay.
Nêu quan điểm tại buổi hội thảo góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (có đề cập đến các quỹ bảo lãnh tín dụng), TS. Trần Du Lịch cho rằng cần thiết sửa đổi về tổ chức và hoạt động quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV phải phù hợp với thực tế hiện nay để DN, quỹ và các tổ chức tín dụng “có tiếng nói chung” giúp kết nối được hiệu quả.
Ông Trần Du Lịch đề xuất, Bộ Tài chính và Chính phủ cần xây dựng lại đúng nghĩa quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. “Bản chất bảo lãnh tín dụng là tín chấp. Khi một tài sản được cho vay, ngân hàng sẽ bảo lãnh và giám sát tài sản hình thành. Nếu DN phá sản, ngân hàng chịu thiệt 30%, quỹ chịu 70%. Kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm cũng liên quan vấn đề này”, ông Lịch nói.
“Tín dụng giả, trách nhiệm thật”
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, chưa có nguồn lực hỗ trợ được nhiều cho cộng đồng DNNVV, vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng thực sự rất quan trọng.
Đánh giá về vấn đề này, trong một buổi làm việc với Bộ Tài chính mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Cần phải có quyết sách để thực hiện hiệu quả cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp”.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì với các bộ khác dự thảo Nghị định quy chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Trả lời báo Thời báo Kinh Doanh, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang dự thảo Nghị định lần ba về tổ chức và hoạt động quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Trên cơ sở thực tế, triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng qua quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, Bộ Tài chính tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các quỹ hiện nay.
Các vướng mắc tập trung chủ yếu ở những vấn đề về: năng lực tài chính của quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao.
Lâu nay, các quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động theo mô hình “tín dụng giả, trách nhiệm thật” bởi vì thực chất các quỹ không cho vay được, không thu lãi, nhưng phải chịu trách nhiệm nhiều mặt.
Cụ thể, nếu xảy ra sự cố, quỹ bảo lãnh tín dụng phải gánh cả trách nhiệm hình sự và dân sự. Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ xem xét sửa đổi theo hướng các bên cùng chung vai gánh rủi ro với quỹ.