Những ngành sẽ khởi sắc trong năm 2020
Bước sang năm 2020, dù nền kinh tế toàn cầu được dự báo có thể tăng trưởng chậm lại trước những rủi ro địa - chính trị, căng thẳng thương mại hay các dịch bệnh gần đây, song vẫn sẽ có những ngành tiếp tục khởi sắc.
Đầu tiên, phải kể đến ngành y tế và dược phẩm, vốn thường tăng trưởng mạnh trong những giai đoạn toàn cầu đối mặt với dịch bệnh. Với một thế giới luôn phát sinh những loại bệnh mới, các công ty dược phẩm, y tế sẽ ngày càng ăn nên làm ra, nhất là khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu mở rộng sẽ tăng các khoản chi tiêu dành cho y tế. Đây cũng là ngành có tính chất phòng thủ thường được giới đầu tư lựa chọn khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán đối mặt với những rủi ro mới.
Nhóm ngành công nghệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi những phát minh mới có tính đột phá không ngừng xuất hiện, mang lại những tiện ích, dịch vụ thiết thực hơn và thuận lợi hơn cho người dùng. Với xu hướng Internet Vạn Vật, dữ liệu lớn, học máy... trong cách mạng 4.0, người dùng sẽ ngày càng ưa chuộng và thậm chí phụ thuộc vào chúng, nhờ đó các công ty công nghệ sẽ tiếp tục ăn nên làm ra và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như những năm qua. Việc những tên tuổi có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay là các công ty công nghệ là một trong những chỉ dấu thể hiện sức mạnh của nhóm này.
Ngành tài chính - ngân hàng cũng sẽ khởi sắc trong năm 2020, khi môi trường lãi suất thấp và tiền rẻ sẽ thúc đẩy việc vay vốn nhiều hơn, cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ đi xuống mang lại cơ hội đầu tư kiếm lợi nhuận cho các ông chủ nhà băng.
Đặc biệt, nhóm công ty công nghệ tài chính (Fintech) sẽ tiếp tục phát triển mạnh và cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống, khi số lượng người dùng điện thoại thông minh và kết nối Internet tiếp tục gia tăng, cùng với các xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến, tiền số và ngân hàng số phát triển.
Ngành bán lẻ sẽ tiếp tục chứng kiến sự vươn lên và giành lấy thị phần của thương mại trực tuyến, mà Amazon hay Alibaba là những tên tuổi nổi bật nhất hiện nay chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội khai phá ở những thị trường mới, lĩnh vực tiêu dùng mới và các phương thức giao hàng mới. Rõ ràng, trong bối cảnh e ngại dịch bệnh lây lan, những trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm đông người có thể không còn là lựa chọn hấp dẫn; thay vào đó, việc đặt mua trực tuyến và giao hàng tận nơi sẽ hợp lý và tiết kiệm thời gian hơn.
Các ngành dịch vụ đi theo mô hình của nền kinh tế chia sẻ có thể tiếp tục phát triển, từ vận tải, lưu trú vốn đã tăng trưởng rầm rộ thời gian qua, cho đến những mô hình mới ở giáo dục, đầu tư sẽ tiếp tục được rót vốn cũng như sớm xác lập được vị thế cạnh tranh.
Bất chấp những tai tiếng của một số công ty khởi nghiệp gần đây như We Work, dòng tiền rẻ với các chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục lựa chọn rót tiền vào các công ty khởi nghiệp đi theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Đối với những nền kinh tế đang phát triển, các ngành cung cấp dịch vụ tiện ích như điện, nước, xây dựng sẽ khởi sắc hơn khi nhu cầu nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là cấp thiết. Ngành cung cấp điện, nước cũng được xem là những ngành phòng thủ như y tế, do đó cũng thường được giới đầu tư lựa chọn khi triển vọng của thị trường chứng khoán không còn quá lạc quan.
Ngược lại, với triển vọng tăng trưởng suy giảm, dịch bệnh gia tăng, các xung đột thương mại vẫn chực chờ, những ngành như dầu khí, hàng không, du lịch, bảo hiểm, vận tải, cảng biển được dự báo sẽ kém tích cực hơn.
Những ngành chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chậm thay đổi với sự chuyển đổi của công nghệ hoặc có thể bị thay thế bởi những dịch vụ mới mà công nghệ mang lại cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Trong bối cảnh trên, năm 2020 được dự báo sẽ có thêm nhiều thương vụ thâu tóm và sáp nhập để gia tăng năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí và định vị lại ngành nghề. Xu hướng bảo hộ lan rộng, dòng vốn đầu tư dịch chuyển khó lường, việc tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới là một ưu tiên và cần phải có đối sách phù hợp.