Dòng tiền năm 2020 sẽ đổ vào ngành nào?
Một năm mới đang đến mang theo kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực hơn. Qua phân tích vĩ mô và phân tích kỹ thuật trung, dài hạn, Bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán Trí Việt dự báo một số ngành sẽ đón được dòng tiền thông minh trong năm 2020.
Thách thức và cơ hội đầu tư
Theo đơn vị phân tích này, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên phương diện thuế quan, công nghệ đã làm giảm niềm tin kinh doanh vốn mong manh, làm tổn hại đến triển vọng đầu tư, sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu. Cùng với đó, tăng trưởng toàn cầu cũng bị kéo xuống bởi đà suy giảm liên tục ở một số nền kinh tế như Trung Quốc và các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, cuộc chiến này dẫn tới sự chuyển dịch xu hướng đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, cũng như dòng vốn từ các nước khác vào Việt Nam.
Ngoài ra, sự biến động khó lường của giá dầu và các hàng hóa khác sẽ dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, đối lập với các gói kích thích của Chính phủ các nước. Điều đó làm cho các chính sách càng trở nên khó khăn hơn khi cung tiền được bơm mạnh ra thị trường gây ra lạm phát.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bùng phát cũng làm ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp vốn đã rất khó lường trong thời gian qua, vô hình trung sẽ làm các chính sách điều hành gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, có nhiều cơ sở để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến tích cực hơn. Đó là Luật Chứng khoán được áp dụng với những điều chỉnh phù hợp, tăng tốc cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp lớn với sự đôn đốc, kiểm soát sát sao từ Chính phủ… Và đặc biệt, 2020 cũng là năm bản lề quan trọng cho sự chuyển đổi của chứng khoán Việt Nam bước sang thị trường mới nổi.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ được ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... sẽ là cú hích lớn cho sản xuất và xuất khẩu trong nước, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Ngoài ra, việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh được tăng cường, với nỗ lực của Chính phủ trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thúc đẩy sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp, cũng như thu hút dòng vốn FDI sẽ góp phần củng cố niềm tin đầu tư.
Các ngành hưởng lợi và có tiềm năng tăng trưởng
Dự báo năm 2020, Vn-Index sẽ trong xu hướng kênh tăng là chủ đạo, mốc quan trọng sẽ được thử thách, tái chinh phục là 1.200. Đi cùng với đó, các ngành nghề mũi nhọn dự báo sẽ đồng hành với Vn-Index trong quãng đường dài phía trước, điển hình như dòng cổ phiếu ngân hàng; bất động sản; dầu khí; bất động sản khu công nghiệp; công nghệ…
Chính phủ đang ưu tiên phát triển một số ngành dựa trên thế mạnh của Việt Nam như: Nông, lâm, thủy hải sản; dệt may; du lịch; công nghệ thông tin... Trong bối cảnh thị trường thế giới biến động khó lường, một số ngành sẽ đón được dòng tiền thông minh và giảm thiểu rủi ro đầu tư.
Thứ nhất, bất động sản khu công nghiệp sẽ còn phát triển đến năm 2025. Việt Nam được cho là hưởng lợi nhất về địa chính trị so với các nước ASEAN trong việc thu hút các doanh nghiệp chuyển khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, để chọn lựa được doanh nghiệp tốt, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quỹ đất lớn, hạ tầng logistics, nguồn lực lao động trong vùng. Một số doanh nghiệp được bộ phận phân tích khuyến nghị là: SZL, D2D, NTC, SIP, BCM, SNZ…
Thứ hai là thủy sản với thế mạnh về vùng nuôi trồng. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo về công nghệ nuôi trồng và nguồn nguyên liệu khép kín của CPTPP, EVFTA và các hiệp định song phương khác.
Thứ ba là công nghệ thông tin, một số doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh do chính sách và nhu cầu nhập khẩu công nghệ cả phần cứng lẫn phần mềm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0, thương mại điện tử, AI... Việc đổ bộ của các tập đoàn lớn về công nghệ như Amazon, Alibaba, Apple sẽ làm sân chơi công nghệ thông tin Việt Nam phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trẻ, thông minh, cần cù sẽ là điểm cộng lớn cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin.
Thứ tư là ngành điện, với việc tăng trưởng kinh tế nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, Việt Nam được dự báo là sẽ thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất. Do đó, việc ngành điện được đầu tư mạnh trong thời gian tới là tất yếu.
Thứ năm là dầu khí, năm 2019, giá dầu được cho là đã tạo đáy trong trung hạn. Việc Mỹ cấm vận Iran, vụ tấn công nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia… gây ra thiếu hụt dầu. Đồng thời, OPEC và Mỹ giảm sản lượng khai thác làm cho giá dầu có xu hướng tăng trở lại. Dự kiến năm 2020, ngành dầu khí sẽ hồi phục. Việc Việt Nam phát triển mạnh các nhà máy điện khí dẫn tới nhu cầu nhập khí hóa lỏng LNG tăng cao.
Dù trước mắt Vn-Index còn đang vận động dưới vùng kết nối xu hướng dài hạn 985 điểm, tuy nhiên về dài hạn, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, vùng kết nối 985 này sẽ sớm được chinh phục và kỳ vọng đây chính là vùng hỗ trợ - bệ đỡ tin cậy cho Vn-Index chinh phục, tái lập những đỉnh cao trước đó đã thiết lập. Dự báo năm 2020, Vn-Index sẽ trong xu hướng kênh tăng là chủ đạo, mốc quan trọng sẽ được thử thách, tái chinh phục là 1.200. Đi cùng với đó, các ngành nghề mũi nhọn dự báo sẽ đồng hành với Vn-Index trong quãng đường dài phía trước, điển hình như dòng cổ phiếu ngân hàng; bất động sản; dầu khí; bất động sản khu công nghiệp; công nghệ…
Hành động theo diễn biến thị trường và xu hướng của mỗi cổ phiếu, ngành nghề nói riêng cần được ưu tiên lựa chọn tại mỗi thời điểm cụ thể. Điều này giúp cho nhà đầu tư chủ động luân chuyển dòng tiền, lựa chọn cổ phiếu tốt, tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời chủ động trước nhiều điều kiện thị trường. Hoàn toàn có quyền kỳ vọng về một năm 2020 tốt đẹp và nhiều cơ hội tốt đang chờ ở phía trước, Vn-Index có vượt qua đỉnh cao 1.200 đã thiết lập trước đó hay không sẽ là ẩn số đầy thú vị.