Những nguyên nhân chính làm hạn chế hoạt động phòng, chống rửa tiền

PV.

Công tác phòng, chống rửa tiền đòi hỏi một hệ thống thống nhất từ trung ương xuống địa phương, từ cơ quan quản lý đến các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều các rào cản đối với công tác phòng, chống rửa tiền…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc, tội tẩy rửa tiền được quy định tại Điều 3. Theo đó, rửa tiền được quy định là hành vi:

(i) Chuyển đổi hay chuyển nhượng tài sản, cho dù biết đó là tài sản do phạm tội mà có, nhằm che giấu hoặc nguỵ trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản đó hoặc nhằm giúp đỡ bất kỳ ai lien quan đến việc thực hiện tội phạm gốc để lẩn tránh trách nhiệm pháp lý do hành vi người này mang lại;

(ii) Che giấu hoặc nguỵ trang bản chất thực sự, nguồn gốc, địa điểm sự chuyển nhượng, sự vận chuyển hoặc sở hữu hoặc các quyền liên quan đến tài sản, dù biết tài sản đó do phạm tội mà có;

(iii) Phụ thuộc vào các khái niệm căn bản của hệ thống pháp luật quốc gia: Nhận, sở hữu hoặc sử dụng tài sản, mà tại thời điểm nhận đã biết rằng tài sản đó do phạm tội mà có; Tham gia, phối hợp hoặc có âm mưu thực hiện hành vi hay giúp sức, xúi giục, tạo điều kiện thuận lợi và bầy mưu để thực hiện bất kỳ một tội phạm nào tương ứng với quy định tại điểu này khi biết rõ là tài sản do phạm tội buôn bán ma tuý mà có”.

Từ những định nghĩa chung kể trên, mỗi quốc gia đều đưa là những định nghĩa riêng về “rửa tiền” trong Luật phòng, chống rửa tiền của mình, tuỳ thuộc vào nhận thức và tình hình thực tế của hoạt động rửa tiền của mỗi quốc gia đó về vấn đề này.

Xét về mặt cơ chế, công tác phòng, chống rửa tiền đòi hỏi một hệ thống thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, từ cơ quan quản lý đến các tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý, từ các cơ quan lập pháp đến các cơ quan hành pháp và tư pháp, từ sự phối kết hợp trong nước đến việc hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp giữa các đối tác, các chủ thể, các quốc gia khác nhau. Từ thực tế của Việt Nam cho thấy những nguyên nhân chính có thể làm hạn chế hoạt động phòng, chống rửa tiền là:

- Thói quen sử dụng tiền mặt của dân cư và việc không bắt buộc chứng minh nguồn gốc dòng tiền đây là nguyên nhân chính khiến Việt Nam trở thành mục tiêu của bọn tội phạm rửa tiền.

- Tình trạng sở hữu chéo trong các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng khiến việc phát hiện tội phạm rửa tiền thêm khó khăn.

- Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng gia tăng cộng với việc kiểm soát kém hiệu quả việc sử dụng vốn tại các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài.

- Rất khó kiểm soát được lượng kiều hối về nước. Hàng năm, Việt Nam nhận kiều hối rất lớn. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 có tới 10,5 tỷ USD; năm 2013 có tới 11 tỷ USD; năm 2014 có tới 18 tỷ USD.

- Tuy đã có Luật Phòng chống rửa tiền văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhưng việc chấp hành luật pháp của công dân Việt Nam còn chưa nghiêm. Mặt khác, một số điều khoản của Luật còn sơ hở; các quy định hướng dẫn thi hành Luật chưa rõ ràng nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyển của các cơ quan thi hành luật, làm cho bọn tội phạm luồn lách Luật để rửa tiền ở Việt Nam.

- Các tổ chức tài chính thiếu kinh nghiệm trong việc phát hiện những hành vi rửa tiền.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng đủ yêu cầu, còn rất lúng túng trong việc lựa chọn phần mềm hỗ trợ phòng, chống rửa tiền.

- Nhiều ngân hàng thương mại còn thiếu sự đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên về phòng, chống rửa tiền.

- Nhiều tổ chức tài chính chưa nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống rửa tiền.

- Chưa kiểm soát số tiền bất hợp pháp thường được đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, sòng bạc, sàn nhảy, khu du lịch...và cả các công ty “ma”.

- Chưa khống chế được nạn rửa tiền qua mạng Internet đang có xu hướng tăng nhanh.

- Nhiều tổ chức tài chính chưa theo dõi chính xác các khoản giao dịch đáng nghi ngờ và giao dịch bằng tiền mặt hoặc bằng ngoại tệ nên việc báo cáo với Cục Phòng, chống rửa tiền chưa đươc chính xác để có giải pháp phòng ngừa hoặc chế tài chính xác.