Những nhà băng "rộng tay" chia cổ tức mùa COVID-19
Trước những dự báo đầy thách thức với lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020, vẫn có nhiều nhà băng làm hài lòng cổ đông bằng cách chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2019.
Trong Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc đưa ra yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Đây tưởng như là "rào cản" với các ngân hàng muốn chia cổ tức nhưng thực tế trong vài năm trở lại đây dù lợi nhuận của ngân hàng tăng cao thì vẫn chỉ có một vài nhà băng chia cổ tức bằng tiền mặt, chủ yếu vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vì vậy Chỉ thị 02 không những không ảnh hưởng nhiều tới vấn đề chia cổ tức mà lại còn là một "cái cớ" rất chính đáng cho các ngân hàng không muốn chia cổ tức.
Tuy vậy, cùng với xu hướng một số ngân hàng nêu ra lý do này khác để không chia cổ tức trong mùa COVID-19 thì cũng vẫn có những ngân hàng sẵn sàng chia cổ tức ở mức khá cao làm vui lòng các cổ đông.
ĐHCĐ thường niên 2020 HDBank vừa diễn ra đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.
Cụ thể, dựa trên mức lợi nhuận sau thuế hơn 4.020 tỷ đồng trong năm 2019, sau khi trích lập các quỹ, cộng với phần lợi nhuận giữ lại của các năm trước, HDBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành thêm 15% cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (dự kiến là 1.448,8 tỷ) để tăng vốn điều lệ, nâng tổng mức chi trả cho cổ đông lên đến 65%. Đây có lẽ là ngân hàng mạnh tay chia cổ tức nhất trong khối ngân hàng thương mại trong năm 2020.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên TPBank năm nay, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch ngân hàng cho biết, trong năm 2020 ngân hàng sẽ quyết tâm tăng vốn điều lệ theo kế hoạch (từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng) bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Việc tăng vốn sẽ thực hiện trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay.
Theo tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ của VIB, HĐQT ngân hàng này cũng đề xuất thông qua việc chia cổ phiếu thưởng 20%, sử dụng nguồn từ lợi nhuận 2019 và các quỹ thuộc nguồn vốn. ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức vào ngày 30/6/2020.
Tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ năm 2020 của SHB cũng cho biết sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%.
Còn lại tại một số ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã diễn ra như SCB, VPB, MSB, ABBank, PVComBank thì cổ đông vẫn nhận được câu trả lời khá quen thuộc "nói không với cổ tức".
Cụ thể, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), PVComBank và Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) là những ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ năm 2020 sau giai đoạn các ngân hàng phải hoãn ĐHĐCĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cổ đông đều chung cảnh "lại một năm không cổ tức".
Tại ĐHĐCĐ MSB, năm nay cổ đông nhận được câu trả lời có vẻ lạc quan hơn so với nhiều năm trước từ phía HĐQT là "đặt mục tiêu năm nay, sau khi xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu cũ, sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 10% cho cổ đông" nhưng đây mới là giả định trong điều kiện tốt.
Tại ĐHĐCĐ ABBank diễn ra mới đây, HĐQT ngân hàng cho biết, việc giữ lại lợi nhuận để tích lũy vốn tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu tuân thủ quy định của NHNN và nhu cầu phát triển của ngân hàng trong những năm tới. Do đó, ABBank đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để tăng vốn điều lệ trong thời gian tới.
Dù 2 năm trở lại đây có những bước tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận, trả lời cổ đông trước câu hỏi về cổ tức, đại diện Sacombank vẫn cho biết, HĐQT đã đề nghị NHNN cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa thông qua đề xuất.
Cùng chung cảnh đang trong thời gian tái cơ cấu, cổ đông PVComBank sẽ tiếp tục phải chờ đợi quá trình tái cơ cấu, nếu thành công thì những năm về sau mới có thể nghĩ tới vấn đề chia cổ tức.
Cổ đông VPBank năm nay cũng bày tỏ bức xúc khi không được chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Năm 2020 hứa hẹn là một năm nhiều thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Đa số các ngân hàng đều nhận thức rất rõ khó khăn này nên mục tiêu kinh doanh năm 2020 đều đã được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia tài chính và chính cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước thì năm nay nợ xấu ngành ngân hàng sẽ tăng cao, còn lợi nhuận lại giảm vì phải giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, tín dụng và huy động đều tăng trưởng thấp do doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế mở rộng quy mô.
Ngành ngân hàng đang cùng một lúc phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc tái cơ cấu hệ thống mới chỉ đạt được một số thành tựu bước đầu như nâng cao năng lực tài chính, giải quyết phần nào nợ xấu thì nay lại phải đối mặt với những khó khăn mới từ dịch bệnh mang lại. Nợ xấu cũ chưa qua, nợ xấu mới đang ập tới sẽ tạo gánh nặng lên lợi nhuận năm 2020 và việc chia cổ tức e rằng sẽ còn khó khăn hơn nữa.