Cổ phiếu ngân hàng: Động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công
Nhìn nhận ở mặt tích cực, giới chuyên gia nhận định rằng, thời gian tới, ngành ngân hàng vẫn nhận được động lực tăng trưởng từ tăng chi tiêu đầu tư công.
Ngân hàng là một trong những nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, một số ngân hàng giảm lãi mạnh trong quý 1 và phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh ở mức thấp hơn.
Nhưng giai đoạn tăng trưởng của thị trường chứng khoán vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự đóng góp rất lớn.
Đầu tư công là đòn bảy cho động lực tăng trưởng
Nhìn nhận ở mặt tích cực, giới chuyên gia nhận định rằng, thời gian tới, ngành ngân hàng vẫn nhận được động lực tăng trưởng từ tăng chi tiêu đầu tư công.
Thực tế, từ đầu cuối tháng 3 đến hết phiên giao dịch ngày 10/6, cổ phiếu ngân hàng là một trong những động lực chính giúp thị trường hồi phục.
Hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng đều có sự tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể như: SHB tăng từ mức 11.900 (chốt phiên ngày 30/3) lên 16.200 (chốt phiên giao dịch 10/6), tương ứng mức tăng 36,1%.
VCB tăng từ mức đáy 57.200 (cuối phiên 23/3) lên 70.800 (chốt phiên 10/6) tăng 23,37%, BID tăng từ 30.850 (chốt phiên 31/3) lên 43.500 (chốt phiên 10/6), tương ứng mức tăng tới 41%.
EIB tăng từ mức đáy 14.650 lên 18.100 (chốt phiên 10/6), tương ứng tăng 23,5%. Trong khi đó, STB tăng 57%, MBB tăng 37%, ACB tăng 43,8%, VIB tăng 35,8%.
Chỉ số VN-Index tăng từ đáy 662,26 điểm (chốt phiên 30/3) lên 900,68 điểm (chốt phiên giao dịch 10/6). Như vậy, VN-Index cũng tăng tới 36%.
Sau đợt tăng mạnh liên tiếp, đến phiên giao dịch ngày 11/6, VN-Index giảm mạnh trở lại (hơn 30 điểm) và đứng ở mức 867,37 điểm, khiến cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm sâu, đặc biệt BID và CTG còn giảm xuống giá sàn.
Theo Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh, trong câu chuyện tăng, giảm của thị trường luôn có sự góp mặt của nhóm cổ phiếu ngân hàng vì nhóm này được coi là nhóm cổ phiếu cơ bản.
Lý giải về sự tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn vừa qua, ông Khánh cho rằng, thị trường chung đi lên, nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường và lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để đầu tư đã giúp các mã ngành này giao dịch sôi động.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đến từ việc Chính phủ kích cầu hỗ trợ kinh tế, tăng giải ngân vốn đầu tư công, khởi động các dự án trọng điểm...
Việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nối lại các hoạt động kinh tế, cùng với việc giảm sâu trước đó, khiến cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Được hưởng lợi từ tăng trưởng tín dụng trở lại
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi dự kiến từ quý 3 khi tín dụng sẽ tăng trưởng trở lại.
Cổ phiếu ngân hàng còn được hưởng lợi từ câu chuyện riêng của từng ngân hàng như: tăng vốn, đạt chuẩn Basel 2 (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel; trong đó, đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).
Rồi câu chuyện một số ngân hàng được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhờ ký kết với về thanh toán quốc tế, hoặc hỗ trợ về tín dụng...
Theo các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán FUNAN-FNS, chính sách tài khóa sẽ mở rộng hơn từ cuối năm 2020 và hỗ trợ trực tiếp cho tiêu dùng và đầu tư nội địa trong những năm tới.
Theo kế hoạch ngân sách nhà nước sẽ tăng 8,2% chi đầu tư công trong năm 2021-2022, cao hơn mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,1%.
Sự gia tăng chi tiêu trong đầu tư công sẽ tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua các dự án trọng tâm giúp cải thiện nền kinh tế thúc đẩy tổng chi tiêu trong nền kinh tế tạo động lực cho ngành ngân hàng phát triển mạnh cuối năm với mức dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2020 là 14%.
FNS cho rằng, nhóm các ngân hàng đã hoàn thành việc xử lý nợ xấu tồn đọng (hoặc chiếm tỷ trọng nhỏ) như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (mã chứng khoán: TCB)… có lợi thế duy trì tăng trưởng trong dài hạn, vì không còn trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng giúp khoản lợi nhuận không bị giảm.
Nhóm ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, đặc biệt các ngân hàng có nợ tồn đọng lớn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: STB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BID)… sẽ cần thêm thời gian để trích lập dự phòng rủi ro.
Trong trường hợp hoàn tất quá trình xử lý nợ thì cơ hội tăng trưởng mạnh trong những năm tiếp theo.
Tác động của dư nợ tín dụng và vốn huy động
FNS cho biết, quy định về tỷ lệ LDR (dư nợ tín dụng/vốn huy động) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có thể tác động tới huy động vốn của các ngân hàng trong năm 2020.
Tỷ lệ LDR tối đa đã được Ngân hàng Nhà nước đưa về một mức quy định chung 85% cho cả ngành ngân hàng, mặt khác, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa sẽ giảm từ 40% về 37% vào 1/10/2020.
Điều này đòi hỏi một số ngân hàng thương mại đang có những tỷ lệ an toàn sát mức quy định thực hiện phương án điều chỉnh thích hợp về nguồn vốn huy động.
Các chuyên gia phân tích từ FNS cho rằng, định hướng của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục được thể hiện và duy trì trong năm 2020, tập trung vào chất lượng thay vì tăng dư nợ cho vay.
Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tăng thấp hơn so với giai đoạn 2016-2017 và tương đương năm 2018-2019, kỳ vọng không quá 14% cho năm 2020.
So sánh lợi nhuận sau thuế quý 1/2020, các ngân hàng có lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là: Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu tăng 13%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tăng 14%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam tăng 20%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong tăng 19%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam tăng 33% và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng tăng 63%.
Các ngân hàng có lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 giảm so với cùng kỳ năm ngoái là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm 29%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam giảm 5%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long giảm 23%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội giảm 8%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á giảm 27%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín giảm 7% và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam giảm 4%.
Như vậy có thể thấy, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 nhưng nhiều ngân hàng vẫn báo lãi cao.
Tiềm năng lợi nhuận được củng cố
Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng bị ảnh hưởng là do sự sụt giảm lợi nhuận từ những ngân hàng lớn như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.
Theo báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến kinh tế, tiềm năng tăng tài sản của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn được củng cố bởi tăng trưởng kinh tế vững chắc, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã tăng từ mức 99% năm 2009 lên 135% tới cuối tháng 4/2020.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại vào đầu năm 2020 do tác động của dịch COVID19. Tuy nhiên, MBS nhận định đà tăng có thể phục hồi vào cuối năm 2020 và 2021 nhờ nhu cầu triển khai đầu tư hạ tầng.
Tầm quan trọng và vị thế của các ngân hàng Việt Nam so với các nước khác ở châu Á vẫn còn khiêm tốn với tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (169%), Trung Quốc (161%), Hàn Quốc (163%) và Thái Lan (144%).
MBS kỳ vọng tổng dư nợ tín dụng quốc gia trong dài hạn sẽ tăng nhờ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và định hướng thúc đẩy dư nợ tín dụng/GDP sẽ tiếp tục tăng.
Các nhà phân tích tới từ MBS cho rằng, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành ngân hàng Việt Nam ở mức độ nhất định, khiến chi phí dự phòng tăng mạnh trong quý 1 và quý 2/2020, đặc biệt là đối với các ngân hàng tập trung cho vay nhiều ở lĩnh vực du lịch, hàng không và gia công.
Tuy nhiên, ngân hàng sẽ ít thiệt hại hơn các ngành khác. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với năm 2008, có khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng này.