Thanh toán số “trợ sức” doanh nghiệp hậu Covid-19

Theo Thái Hoàng/thoibaonganhang.vn

Thanh toán số đang trở thành một liều thuốc hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt vượt qua cơn lốc của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Bên cạnh các chính sách giãn nợ, các gói vay ưu đãi, thời gian qua nhiều ngân hàng, các công ty công nghệ tài chính cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi thanh toán số hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua “cơn bĩ cực”.

Thanh toán số đang trở thành một liều thuốc hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt vượt qua cơn lốc của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Nguồn: internet
Thanh toán số đang trở thành một liều thuốc hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt vượt qua cơn lốc của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Nguồn: internet

Công cụ hỗ trợ đắc lực

Là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động để có thể tồn tại trong mùa dịch. Sau dịch, việc tái sản xuất, kinh doanh cũng gặp phải rất nhiều vấn đề như tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tái cơ cấu bộ máy, đảm bảo quyền lợi cho người lao động…

Trước một loạt thách thức “bủa vây” doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng vừa đề xuất Chính phủ có những chính sách giúp đỡ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt. 

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được Nhà nước tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và khôi phục sản xuất kinh doanh, mong Chính phủ và các bộ, ngành sớm xoá bỏ những chồng chéo, bất hợp lý và bảo đảm sự minh bạch, nhất quán trong hệ thống pháp luật kinh doanh, nhất là các quy định pháp luật về tài chính, đầu tư và xây dựng…

Một trong nhiều vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là các dịch vụ thanh toán số - công cụ hỗ trợ đắc lực cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại của doanh nghiệp; đồng thời cũng là giải pháp công nghệ đưa doanh nghiệp tiệm cận tới tầng nấc phát triển cao hơn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. 

Theo một thống kê mới đây, tốc độ tăng trưởng mobile banking của người dân Việt Nam là 200% với khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Như vậy chứng tỏ tiềm năng của các dịch vụ thanh toán điện tử cũng như dư địa phát triển của các ngân hàng số mà Việt Nam đang tích cực triển khai còn rất lớn.

Với sự phát triển về công nghệ, trong khi ngân hàng truyền thống phải xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp mất khoảng 1 tuần thì ngân hàng số có thể giải ngân cho doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng.

Ông Đào Minh Phú, Tổng giám đốc NextTech Group (Công ty mẹ của ví điện tử Vimo, Ngân lượng, Mpos) cũng nhìn thấy những cơ hội cho lĩnh vực thanh toán điện tử từ đại dịch Covid-19 khi chỉ trong 2 tháng chống dịch, thói quen, hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể.  

“Chúng ta mất tới 10 năm hô hào thanh toán không dùng tiền mặt bằng thanh toán điện tử, nhưng kết quả chưa cao, thì 2 tháng qua đã bằng 10 năm trước đó, khi gần như gia đình nào cũng dùng dịch vụ thanh toán online. Hàng chục ngàn đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng trước đây bán hàng offline, thì giờ đây trong mùa dịch, để tồn tại, họ đã phải chuyển đổi số, bán hàng, cung cấp dịch vụ từ xa, chấp nhận thanh toán online, lượng đối tác triển khai thanh toán online tăng vọt”, ông Phú dẫn chứng.

Từ fintech…

Nắm bắt xu hướng trên, nhiều công ty công nghệ tài chính (fintech) đã tung ra các chương trình hỗ trợ về thanh toán điện tử nhằm kịp thời trợ sức doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Cổng thanh toán VNPAY-QR – đơn vị trung gian kết nối các ngân hàng với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh… đã triển khai chương trình “Miễn phí dịch vụ VNPAY-QR cho các doanh nghiệp”  đến hết 30/6/2020 trên phạm vi toàn quốc, nhằm hỗ trợ, vực dậy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ có thêm chi phí khôi phục sau dịch Covid-19.

Đại diện VNPAY cho hay: “Dịch bệnh đã khiến cho bức tranh kinh tế trở nên ảm đạm. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mỗi doanh nghiệp thể hiện quyết tâm và hợp lực bằng cách nào đó để chúng ta bước qua ‘cú sốc’ kinh tế. Đồng thời, VNPAY cũng xem đây là thời điểm phù hợp để kích thích người dùng sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn trong mọi giao dịch và hướng đến một xã hội không tiền mặt”.

Theo bà Trương Cẩm Thanh – Giám đốc ZaloPay, công ty này đang tập trung phát triển kênh thanh toán online phục vụ các đối tác là các định chế tài chính, doanh nghiệp, sản phẩm.

“Đợt dịch bệnh này đã cho thấy thanh toán điện tử sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và thay thế các phương thức thanh toán truyền thống trong một ngày không xa. Dịch bệnh mang lại rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của các hình thức thanh toán điện tử. Đơn vị nào biết tận dụng có thể đạt được những thành tựu đáng kể, gia tăng thị phần và khả năng cạnh tranh trong tương lai”, bà Thanh nhận xét.

…đến các ngân hàng vào cuộc

Thời điểm này doanh nghiệp đang là đối tượng trọng tâm được các ngân hàng tập trung hỗ trợ vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19.

Thấu hiểu nhu cầu của khách hàng trong xu hướng “không tiền mặt”, từ tháng 5/2020, SeABank đã triển khai chương trình “SeABank Visa Corp - Đồng hành cùng doanh nghiệp” dành cho các khách hàng là doanh nghiệp và tổ chức với hạn mức tín dụng thẻ được cấp tối đa lên tới 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn này để thực hiện thanh toán các khoản chi phí với thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày, đồng thời giảm thiểu tối đa rủi ro lưu thông tiền mặt.

Ưu điểm của sản phẩm này là cung cấp công cụ quản lý chi phí thông minh, tách bạch chi tiêu cá nhân và chi tiêu công, thanh toán không cần tiền mặt tại nhiều điểm giao dịch toàn cầu. “Ngoài chi tiêu dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn, công ty của tôi còn được hưởng nhiều ưu đãi của ngân hàng từ chính các giao dịch của mình”, bà Lê Linh, một chủ doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, khách hàng sử dụng Visa Corporate chia sẻ.

Ngân hàng BIDV cũng khá thành công trong áp dụng thanh toán điện tử, đặc biệt trong đợt dịch vừa qua. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV cho biết, trong đợt dịch bệnh Covid-19, các dịch vụ trên smart banking của ngân hàng đạt tăng trưởng lớn; trong đó khách hàng có thể sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng.

Với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, BIDV cũng đã có kênh ngân hàng số eBank, khách hàng có thể sử dụng các giao dịch tài trợ thương mại, mở LC… Cũng trong đợt dịch vừa qua, lượng giao dịch qua eBank tăng gấp 7 lần. BIDV cũng tăng tính năng ứng dụng công nghệ khi sử dụng các phương thức xác thực khuôn mặt, vân tay.

Mới đây,  HDBank cũng triển khai chương trình mở tài khoản doanh nghiệp online hoàn toàn miễn phí, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế, thúc đẩy số hóa dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, khi có nhu cầu, doanh nghiệp gửi yêu cầu mở tài khoản doanh nghiệp online trên website không phải đến quầy và bổ sung hồ sơ để hoàn tất mở tài khoản tại chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng như trước. Khi hoàn tất các thủ tục đăng ký mở tài khoản doanh nghiệp qua cổng trực tuyến, tài khoản online cấp cho doanh nghiệp cũng được kích hoạt để giao dịch ngay.

“Tiện ích này giúp doanh nghiệp tăng cường giao dịch ứng dụng công nghệ số, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Dịch vụ tiện ích mới này cũng giúp doanh nghiệp quản lý tài chính dễ dàng hơn, linh hoạt trong giao dịch, đảm bảo mọi giao kết với đối tác, bạn hàng”, đại diện  HD Bank cho hay.