Những nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam

PV. (Tổng hợp)

Thời gian qua, dù chịu không ít ảnh hưởng từ biến động của thị trường tài chính toàn cầu thế giới, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nhận được những đánh giá lạc quan. Để nhà đầu tư có được góc nhìn toàn diện hơn, Tạp chí Tài chính tổng hợp một số ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: financeplus.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: financeplus.vn

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu Tư của VinaCapital:

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưa thích cổ phiếu Việt Nam

Do thị trường chứng khoán Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ các biến động của thế giới, dù tăng trưởng GDP có chậm lại trong nửa đầu năm 2016, nhưng đông đảo các nhà quan sát vẫn nhìn nhận lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay.

Với tiền đồng khá ổn định so với USD từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán VND sẽ phá giá không lớn và như thế sẽ tốt cho các nhà đầu tư quốc tế.

Bà Merryn Somerset Webb, chủ biên của Tờ Tạp chí tài chính MoneyWeek (Anh):

Thị trường chứng khoán của Việt Nam đang siêu rẻ

Thị trường chứng khoán của Việt Nam đang siêu rẻ, với gần 400 cổ phiếu có tỷ lệ P/E dưới 10 lần, khoảng 50% các công ty giao dịch dưới giá trị sổ sách, và cổ tức có lợi suất bình quân gần 4%.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Thành viên điều hành CTCK VNDirect (VND):

Cuối năm 2016, VN-Index có thể đạt ngưỡng 720 điểm

Cuối năm 2016, VN-Index có dao động trong khoảng từ 640-700 điểm hoặc thậm chí có thể sẽ là ngưỡng 720 điểm. Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ thu hút được dòng tiền khối ngoại.

Sự mở rộng của các quỹ ETF và P-notes tại Việt Nam với phương thức mới có thể đem lại dòng tiền đầu tư lớn hơn. 2016 sẽ là năm mà khối ngoại mua ròng lớn nhất từ trước đến nay...

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương:

Việt Nam có thể học hỏi được không ít bài học quý từ cơn chấn động Brexit

Việt Nam là nền kinh tế mở, nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò không nhỏ trong thị trường chứng khoán nên sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam là không quá khó hiểu.

Sau các phản ứng thái quá, thị trường có xu hướng quay dần lại điểm cân bằng mới, gắn hơn với các vấn đề có tính nền tảng của sự phát triển kinh tế như ổn định kinh tế vĩ mô, cách thức phản ứng chính sách vĩ mô cùng xu hướng cải cách cơ cấu của thế giới và Việt Nam.