Những nhân vật tạo thêm lực đẩy bất động sản 2018
Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2018 được đánh giá có nhiều gam màu sáng, từ chính sách phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cho đến lượng hàng tồn kho và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đều ghi nhận những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Kết quả này ngoài việc những “ông lớn” biết tạo dựng uy tín thương hiệu, và họ cũng chính là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn tác động lên thị trường BĐS. Theo tổng hợp của ĐTTC cũng như bình xét từ bạn đọc và nhà đầu tư trong năm 2018 (không tính đến yếu tố ngoại), có thể đưa ra nhận diện và chỉ mang tính tham khảo.
Ông PHẠM HỒNG HÀ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Là “tư lệnh” của ngành xây dựng, ông Phạm Hồng Hà được cho là người có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường BĐS hiện nay. Tầm ảnh hưởng của ông Hà được thể hiện qua các phát biểu nhận định về thị trường BĐS.
Cụ thể, cuối năm 2017, tại Diễn đàn BĐS lần thứ nhất do Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, ông Hà đã đưa ra dự báo và khẳng định trong năm 2018 sẽ không có dấu hiệu biến động cực đoan nào xảy ra với thị trường BĐS. Và diễn biến của thị trường BĐS trong năm vừa qua đã cho thấy dự báo của bộ trưởng hoàn toàn chính xác.
Cũng tại diễn đàn này, ông Phạm Hồng Hà đánh giá thị trường BĐS phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững, thiếu minh bạch, nhiều nơi còn phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối. Cơ cấu hàng hóa trên thị trường vẫn còn bất hợp lý. Chẳng hạn, thị trường đang dư cung trong phân khúc nhà ở cao cấp, trong khi lại thiếu nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến BĐS cao cấp, đầu tư các khu nghỉ dưỡng.
Trong khi đó nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở tại các khu công nghiệp dành cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ vẫn chưa được đáp ứng. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2019. Theo đó, hàng loạt chủ đầu tư và dự án lớn vào tầm ngắm thanh tra, từ dự án BĐS nghỉ dưỡng, nhà ở, cao ốc văn phòng, cho tới lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Ông PHẠM NHẬT VƯỢNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC)
Với vốn hóa thị trường tính đến thời điểm cuối năm 2018 đạt khoảng 304.000 tỷ đồng (tương đương 13 tỷ USD), VIC là doanh nghiệp BĐS lớn nhất tại Việt Nam với hệ sinh thái gồm 5 lĩnh vực kinh doanh bổ trợ cho nhau: nhà ở (Vinhomes và Vincity), cho thuê mặt bằng bán lẻ (Vincom Retail), khách sạn du lịch và vui chơi giải trí (Vinpearl và Vinpearl Land), bán lẻ tiêu dùng (Vinpro, Vinmart, Vinmart+ và adayroi.com) và hạ tầng xã hội (Vinmec và Vinschool).
Về lĩnh vực BĐS, VIC có khoảng 101 triệu m2 đất để phát triển với các dự án nổi tiếng đã và sắp hoàn thành như: Vinhomes Royal City, Vinhomes Times City, Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River.
Người có công đưa VIC vươn đến vị thế dẫn đầu như hiện nay chính là ông Phạm Nhật Vượng, doanh nhân khởi nghiệp từ lĩnh vực sản xuất mì gói tại Ukraine với vỏn vẹn 10.000USD. Năm 2000, ông Vượng trở về Việt Nam đầu tư lĩnh vực BĐS và nhanh chóng thành công với dự án đầu tiên tại Nha Trang.
Với sự nhạy bén và tầm nhìn của doanh nhân từng thành công nơi “đất khách quê người”, ông Vượng đã không khó khăn khi đưa VIC trở thành thế lực kinh tế hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Mới đây, theo ước tính của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã cán mốc 4,2 tỷ USD và đã vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên một tỷ phú người Việt gia nhập nhóm 500 người giàu nhất thế giới.
Ông LƯƠNG TRÍ THÌN,Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Đất Xanh (DXG)
Ông Lương Trí Thìn là người sáng lập nên Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Ðịa ốc Ðất Xanh (tiền thân của DXG ngày nay). Với hơn 20 năm kinh nghiệm quản trị cùng những quyết định táo bạo, ông Thìn đã xây dựng thương hiệu Ðất Xanh trở thành thương hiệu BĐS uy tín và lớn mạnh.
Trong giới đầu tư BĐS, ông Thìn là người có ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động giao dịch trên thị trường, đặc biệt là phân khúc trung cấp với trọng tâm là các dự án chung cư tại TPHCM.
Năm 2018, có thể nói là một năm thành công của DXG với sự dẫn dắt của ông Thìn với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến toàn tập đoàn ước đạt hơn 5.000 tỷ đồng, lãi ròng đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2017. Các mảng hoạt động chính của tập đoàn đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. DXG đã tiến hành bàn giao và ghi nhận các dự án như Opal Riverside, LuxGarden, Lux City officetel. Số lượng sản phẩm đã phân phối trên thị trường của toàn hệ thống DXG với gần 28.000 sản phẩm.
Mạng lưới phân phối của DXG đã bao phủ toàn quốc sau khi chính thức khai trương Công ty Đất Xanh Tây Nam bộ tại khu vực ĐBSCL vào đầu năm 2018. Với kết quả trên, DXG vừa được xếp vào Top 3 doanh nghiệp BĐS có lợi nhuận tốt nhất năm 2018, do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng báo Vietnamnet tổ chức.
Từ những chiến lược mang tính bứt phá và tầm nhìn sâu rộng, ông Lương Trí Thìn đã đặt mục tiêu cho DXG trong 10 năm tới có vốn hóa 5 tỷ USD, tạo ra những xu hướng mới cho thị trường BĐS. Trong đó chiến lược phát triển quỹ đất vùng ven để đón đầu thị trường được ông Thìn chuẩn bị từ nhiều năm nay. Hiện nay quỹ đất tại TPHCM đã bắt đầu khan hiếm, nhưng xét thị trường chung quỹ đất của DXG còn rất lớn. Đây chính là thế mạnh của DXG trong cuộc đua trên thị trường BĐS hiện nay.
Ông BÙI THÀNH NHƠN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NoVa (NVL)
Ông Bùi Thành Nhơn đi lên từ lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y, nhưng lại gặt hái được thành công trong lĩnh vực BĐS. NVL dưới sự điều hành của ông Nhơn hiện là một trong những doanh nghiệp đang sở hữu rất nhiều dự án BĐS rải khắp TPHCM.
Cột mốc đánh dấu cái tên NVL vào năm 2013, lúc doanh nghiệp tuyên bố giá bán căn hộ Sunrise City (khu North Towers - giai đoạn 3) giảm mạnh so với trước đây. Việc giảm giá của NVL ít nhiều tạo nên “cú sốc” trên thị trường BĐS, bởi lẽ thời điểm đó TPHCM không có quá nhiều các sản phẩm thuộc phân khúc trung và cao cấp có cùng mức giá. Cũng chính trong giai đoạn thị trường trầm lắng, NVL đã tận dụng cơ hội để liên tục thực hiện thành công các thương vụ M&A lớn qua việc mua lại nhiều dự án đang dở dang để hoàn thiện.
Với sự điều hành của ông Nhơn, dù chỉ mới ra đời nhưng NVL đã có những bước phát triển nhanh chóng và trở thành một thương hiệu lớn trong ngành BĐS. Đặc biệt, các dự án đang và sắp bàn giao đều tọa lạc tại nhiều vị trí trọng điểm tại TPHCM như: The Sun Avenue (quận 2), Wilton Tower (Bình Thạnh), Golden Mansion, Orchard Parkview, Newton Residence (Phú Nhuận), Botanica Premier (Tân Bình), Sunrise Riverside (Nam Sài Gòn). Điểm chung của các dự án mà NVL đang phát triển đều thuộc dòng sản phẩm trung và cao cấp, nằm ở những vị trí đắc địa.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TRUNG, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Hưng Thịnh Corp
Hưng Thịnh Corp là một trong những cái tên nổi bật trên thị trường địa ốc TPHCM với 18 công ty thành viên, 3 văn phòng đại diện, 8 sàn giao dịch cùng hơn 2.000 nhân sự hoạt động chuyên nghiệp. Hưng Thịnh Corp còn hiệu quả ở các lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây dựng, nội thất, phân phối và đã phát triển thành công hơn 30 dự án với hàng chục ngàn căn hộ, nhà phố, biệt thự trên khắp cả nước.
Với sản phẩm đa dạng cùng mức giá hợp lý, hiện mỗi năm Hưng Thịnh Corp đưa ra thị trường khoảng 5.000-7.000 sản phẩm và luôn được đông đảo khách hàng đón nhận.
Nhân vật đóng góp lớn nhất cho sự thành công của Hưng Thịnh Crop là ông Nguyễn Đình Trung. Đầu những năm 1990, ông Trung vào TPHCM học đại học ngành kế toán. Tuy nhiên, ông Trung lại bén duyên với lĩnh vực BĐS khi thành lập công ty chuyên môi giới BĐS với số vốn ban đầu khoảng 6 tỷ đồng và đội ngũ gần 40 nhân viên. Một trong những dấu ấn rõ nét nhất của ông Trung là quyết định khá táo bạo sử dụng chiến lược mua lại các dự án trong giai đoạn thị trường đóng băng. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, thì lại là lúc Hưng Thịnh duy trì tuyển dụng, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp. Nhờ chiến lược này, Hưng Thịnh Corp không gặp khó khăn về nhân sự khi thị trường BĐS hồi phục và sẵn sàng nguồn cung hàng hóa ra thị trường.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA)
Dù là Chủ tịch HoREA, nhưng ông Lê Hoàng Châu được đánh giá là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực BĐS với những phân tích và dự báo khá chính xác về thị trường BĐS.
Một trong những phân tích của ông Châu được giới đầu tư đánh giá cao là “bắt mạch” được 5 điểm nghẽn của thị trường BĐS ở thời điểm hiện tại gồm: giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, tín dụng và thủ tục hành chính.
Dự báo về thị trường BĐS năm 2019, ông Châu cho rằng thị trường sẽ đan xen giữa thách thức và cơ hội. Do năm 2018, thị trường sụt giảm nguồn cung, nên tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm BĐS sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2019. Bên cạnh đó, việc mất cân đối giữa cung cầu dẫn đến sự lệch pha sản phẩm trên thị trường giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp. Hiện phân khúc nhà ở xã hội năm vừa rồi chưa triển khai được nhiều do vướng mắc chính sách.
Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng 10-2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cam kết sẽ làm hết sức mình, tới đây sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phù hợp, cùng địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nhằm hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng.