Những “ông lớn” chen ngang vào nông nghiệp
Ngày càng nhiều “ông lớn” trong các ngành thép, bất động sản, chứng khoán… mạnh tay rót vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu gặt hái được thành công nhất định.
Điều này khiến bức tranh ngành nông nghiệp đang dần trở nên đa dạng, nhiều khả năng mang lại những đổi mới cho lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Nông nghiệp sạch hút “ông lớn”
Đã có một thời gian dài các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không hề mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, một vài năm gần đây khi kinh tế phát triển, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm… dẫn đến nhu cầu về sản phẩm rau củ quả sạch ngày càng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã nhận ra rào cản của chính sách hạn điền đối với nền sản xuất nông nghiệp trong nước và đã có những động thái quyết tâm đổi mới chính sách đất đai, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền nhằm tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ.
Đón đầu những xu thế đó, nhiều DN lớn có tiềm lực về vốn đã lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp, coi đó như một lĩnh vực tiềm năng mang lại mức tăng trưởng bền vững. Đơn cử như DN hàng đầu trong lĩnh vực thép là Tập đoàn Hòa Phát lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi; Vingroup sản xuất rau sạch; Tập đoàn PAN Group tham gia lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm… Hay mới đây nhất, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đã cho ra mắt thương hiệu nông sản T-Vital và hệ thống siêu thị riêng Qmart. Cùng với đó là việc vị doanh nhân này rót vốn đầu tư vào Vinafood 2, DN sản xuất kinh doanh gạo hàng đầu của Việt Nam.
Hái “quả ngọt”
Một số “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp gần đây đã có những thành công nhất định, trong đó có PAN Group và Hòa Phát.
Theo báo cáo tài chính mới nhất quý I/2018, PAN Group ghi nhận tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 1.705 tỷ đồng và 142,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 218% và 152% so với cùng kỳ năm 2017. Trước đó, PAN Group cũng đã có một năm 2017 thành công với doanh thu hợp nhất đạt 4.075 tỷ đồng, tăng 48% so với mức 2.753 tỷ đồng năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỷ đồng, tăng 50% so với 336,4 tỷ đồng năm 2016. Trong đó, đà tăng trưởng vượt bậc được ghi nhận ở cả 2 lĩnh vực mũi nhọn là nông nghiệp và thực phẩm.
Còn đối với Tập đoàn Hòa Phát, mặc dù tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng nông nghiệp đóng góp lần lượt là 6% và 1% trong năm 2017 nhưng cũng đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 3.073 tỷ đồng, tăng 70,7% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 47,4 tỷ đồng, tăng 70,5% so với năm 2016. Quý I/2018, doanh thu từ mảng này vẫn đóng góp 6%, đạt 836,2 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với quý I/2017.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ cấu mảng nông nghiệp mà Hòa Phát đang theo đuổi bao gồm: Chăn nuôi heo, gà và thức ăn gia súc. Hòa Phát đã đầu tư 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi đặt tại Hưng Yên và Đồng Nai với công suất lên đến 300.000 tấn/năm.
Về chăn nuôi gà đẻ trứng, nguồn cung của Tập đoàn đến từ 2 trại gà đẻ thương phẩm tại Đồng Nai và Phú Thọ với quy mô 600.000 con gà mái đẻ/năm. Năm 2018, Hòa Phát dự kiến đạt sản lượng 20 triệu trứng gà thương phẩm.
Ở mảng chăn nuôi heo, từ năm 2016, Công ty Chăn nuôi Phước Hòa, công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, đã triển khai dự án trại nuôi heo lớn tại địa phận xã Minh Đức, Bình Phước. Giữa năm 2017, Hòa Phát đã tung sản phẩm thịt heo 2 máu ra thị trường. Trong khi đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi trong năm 2018 dự kiến tăng 30% so với năm 2017. Hòa Phát đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 75.000 bò thịt/năm và 300 triệu trứng gà sạch/năm.
Vingroup đầu tư nông nghiệp nhưng chưa công bố lợi nhuận từ lĩnh vực này. Tập đoàn này đã bắt tay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco vào đầu năm 2015. Báo cáo thường niên mới nhất của Vingroup cho biết, đến hết năm 2017, VinEco đã xây dựng được hệ thống 14 nông trại và 4 nhà sơ chế với tổng diện tích quỹ đất hơn 2.000 ha, góp phần cung cấp cho thị trường khoảng 200 loại rau, củ, quả với tổng sản lượng trung bình 2.500 tấn/tháng. Tổng sản lượng nông sản bán ra thị trường năm 2017 tăng hơn 71% so với năm 2016.
Đồng thời, Vingroup cũng đã hoàn thành hạ tầng sản xuất và kỹ thuật công nghệ sản xuất nấm ăn cao cấp tại VinEco Tam Đảo với quy mô lớn nhất Việt Nam (5 loại nấm ôn đới với công suất tối đa 1,5 tấn nấm/ngày). VinEco cũng lắp đặt thành công 45 ha nhà kính thủy canh NFT ở VinEco Long Thành, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Phú Quốc và các nông trại VinEco khác trên toàn quốc.
Không chỉ PAN Group, Vingroup, Hòa Phát, còn rất nhiều “đại gia tay ngang” trong lĩnh vực nông nghiệp như Trường Hải, FPT, T&T Group hay Geleximco. Với cách làm nông nghiệp hoàn toàn mới, những “con sếu đầu đàn” này được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn cung cách sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản nước ta.