Những tiến bộ vượt bậc trong phát triển BHYT học sinh, sinh viên
Việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) trong những năm qua đã có những tiến bộ vượt bậc, thể hiện ở nhận thức của những người làm công tác này, từ các cấp chính quyền, cơ quan BHXH đến các toàn hệ thống giáo dục và các bậc phụ huynh. Tất cả đều ý thức sâu sắc “BHYT gắn bó thiết thực với quyền lợi HSSV”. Đặc biệt, nhận thức của bậc phụ huynh đã được nâng lên, khi chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi còn khỏe mạnh.
Đây là khẳng định của ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam khi đánh giá về kết quả thực hiện chính sách BHYT HSSV mới đây.
BHYT gắn bó thiết thực với quyền lợi học sinh, sinh viên
Theo ông Trần Đình Liệu, thời gian qua, chúng ta có nhiều thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, bởi việc thực hiện chính sách này đã được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.
Tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đang phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt tỷ lệ hơn 92,5%) thì đến năm 2017 đã có trên 16 triệu em tham gia (đạt tỷ lệ trên 93%); đến tháng 9/2019, đã có trên 17 triệu HSSV tham gia (đạt tỷ lệ hơn 95%), trong đó có 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.
Bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật BHYT năm 2014 đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai thực hiện, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các cơ sở giáo dục.
Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, sự gia tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT khá bền vững qua các năm là kết quả từ sự nỗ lực cố gắng, phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp của ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trong các trường học trên cả nước.
"Việc phát triển BHYT HSSV những năm qua đã có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện ở nhận thức của những người làm công tác này, từ các cấp chính quyền, cơ quan BHXH đến các toàn hệ thống giáo dục và các bậc phụ huynh. Tất cả đều ý thức sâu sắc BHYT gắn bó thiết thực với quyền lợi HSSV", ông Liệu khẳng định.
Quỹ BHYT cũng góp phần giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh. Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục triệu lượt HSSV được quỹ BHYT chi trả kinh phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bệnh mạn tính đã được thanh toán hàng tỷ đồng.
Qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.
Cần gỡ “nút thắt” trong phát triển BHYT học sinh, sinh viên
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn phát triển BHYT HSSV cho thấy, các văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV vẫn còn không ít vướng mắt cần phải được tháo gỡ. Đơn cử như: Mặc dù đã có quy định bắt buộc tham gia BHYT nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc trách nhiệm đối với HSSV, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT chưa đồng đều tại một số địa phương; sinh viênh, nhất là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao (chiếm tỷ lệ khoảng 80%-85%).
Cùng với đó, vẫn tồn tại tâm lý chủ quan về sức khỏe nên nhiều HSSV và phụ huynh chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là cần thiết cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. “Đây là điều chúng tôi đang suy nghĩ và trăn trở để tìm giải pháp, bởi HSSV là một trong các nhóm đối tượng có mục tiêu phấn đấu phải đạt nhanh tỷ lệ bao phủ 100% theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”, ông Liệu nói.
Để thực hiện tốt và bền vững chính sách BHYT HSSV, theo BHXH Việt Nam, trước hết, phải nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân nói chung, các bậc phụ huynh nói riêng về ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT.
Hiện nay, việc thực hiện chính sách BHYT đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Riêng đối với HSSV, năm nào Bộ GD&ĐT cũng có chỉ thị riêng về nội dung này.
BHXH các tỉnh, thành phố cũng cần tiếp tục tham mưu với tỉnh ủy, UBND quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV trên địa bàn, giao chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ sở giáo dục, phấn đấu 100% về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV.
BHXH các địa phương cũng cần tăng cường tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng trên địa bàn.
Đồng thời, cơ quan BHXH các cấp phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HSSV; tổ chức khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn, nhất là những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đang phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt tỷ lệ hơn 92,5%) thì đến năm 2017 đã có trên 16 triệu em tham gia (đạt tỷ lệ trên 93%); đến tháng 9/2019, đã có trên 17 triệu HSSV tham gia (đạt tỷ lệ hơn 95%), trong đó có 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.