Những vấn đề lớn của các nước nhỏ
(Tài chính) IMF đưa ra cách giải thích khác cho hoạt động kinh tế yếu kém của các quốc gia nhỏ bé, bao gồm vấn đề di cư cao. Một lý do khác là quy tắc thương mại. Đối với một số nền kinh tế nhỏ vốn phụ thuộc nặng vào xuất khẩu và tập trung xuất khẩu sản phẩm như chuối hoặc đường, cải cách gần đây của EU đã gây thiệt hại cho các quốc gia này.
Sản xuất không có lợi thế về quy mô
Trong 5 năm qua, tăng trưởng ở các nước phát triển đã chậm lại. Theo thống kê, từ năm 2008 đến năm 2013, tăng trưởng của các nước này chỉ đạt 2%. Tuy nhiên, không chỉ có các nước phát triển bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, mà các quốc gia nhỏ tại khu vực ven Thái Bình Dương cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhưng ta hãy xem xét những người sống tại các nước nhỏ. Đây là những quốc gia có ít hơn 1,5 triệu dân. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng 29 triệu người sống tại 48 quốc gia nhỏ. Trong 5 năm qua, GDP bình quân đầu người ở các nước nhỏ đã giảm 2,3%. Một số quốc gia nhỏ đã thu được những kết quả rất tốt như tốc độ tăng trưởng bình quân tính theo đầu người quần đảo Marshall đạt 8%/năm, trong khi một số quốc gia khác khiến người khác phải kinh sợ: tăng trưởng của St Kitts và Nevis giảm 12%/năm; Antigua và Barbuda giảm 21%/năm.
Báo cáo nghiên cứu của IMF đã cho thấy lý do tại sao kinh tế của nhiều nước nhỏ đã sụt giảm nặng nề trong những năm qua. Nước nhỏ từ lâu đã phải đối mặt với những vấn đề mà bất kỳ nhà kinh tế nào đều biết rất rõ. Đó là: Trước hết, họ phải nỗ lực để tìm kiếm quy mô nền kinh tế. Hãy tưởng tượng việc cố gắng cung cấp dịch vụ công trong Liên bang Micronesia, nơi có hơn 600 hòn đảo nằm rải rác trên 1 triệu dặm vuông của đại dương. Việc thiếu quy mô nền kinh tế có thể khiến các dịch vụ công trở nên đắt đỏ không đạt tiêu chuẩn.
Thứ hai, thương mại là khó khăn hơn đối với các nước nhỏ, các quốc gia bị cô lập. Kiribati, một quốc đảo 100 nghìn dân, nằm giữa khu vực Thái Bình Dương (từ Hawaii bay đến phải mất 5 giờ đồng hồ). Do vậy, chi phí kinh doanh với Kiribati cao trong khi thị trường nhỏ. Điều đó làm tăng chi phí giao dịch trung bình; mọi người có xu hướng tìm nơi khác để kinh doanh.
Hai vấn đề trên gây ra những hậu quả đáng tiếc. Thứ nhất, chi phí cố định lớn trong khu vực công có nghĩa là mức chi tiêu của các quốc gia nhỏ tính theo tỷ lệ GDP lớn hơn so với các nước lớn. Theo IMF, từ năm 2007 đến 2011, mức chi tiêu của chính phủ tính theo tỷ lệ GDP của các nước nhỏ nhiều hơn 9% so với những nước lớn. Điều này gây áp lực lên nợ chính phủ, có thể khiến tăng trưởng thấp hơn.
Thứ hai, trong một nỗ lực để xâm nhập thị trường toàn cầu, các quốc gia nhỏ thường thường cố gắng tập trung vào việc xuất khẩu một loại hàng hóa hoặc dịch vụ duy nhất. Nếu không có sự đa dạng hóa xuất khẩu, các quốc gia này rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Các hòn đảo nhỏ bé Nauru là một ví dụ về sự nguy hiểm của việc tập trung vào một mặt hàng duy nhất.
Những cơ hội từ sự đa dạng nền sản xuất
Tuy nhiên, những bất lợi về địa lý không phải lúc nào cũng xấu. Theo IMF, 1980-2010, các nước nhỏ chỉ tăng trưởng chậm hơn một chút (0,7%/năm) so với các nước lớn hơn. Nhưng sau năm 2000 mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. WB tính toán rằng, có hai vấn đề chính. Đầu tiên, là vấn đề tài chính. Các ngân hàng cho rằng, trong những năm 2000 các quốc gia nhỏ ngày càng có quan hệ với các thị trường tài chính toàn cầu và, do đó, chịu thiệt hại nặng nề hơn trong thời kỳ suy thoái.
Trên thực tế dữ liệu của UNCTAD cho thấy, trong năm 2001, các quốc gia nhỏ đóng góp 0,1% vào tỷ lệ xuất khẩu dịch vụ tài chính toàn cầu, nhưng con số này sụt giảm chỉ còn 0,04% vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Các quốc gia nhỏ đã có thể được hưởng lợi từ dòng vốn tài chính toàn cầu trong những năm gần đây: 2007-2013 kiều hối cho các quốc gia nhỏ tăng 18%.
Giải thích thứ hai của WB có vẻ hợp lý hơn. Trong những năm 2000, du lịch đến nhiều quốc gia nhỏ bùng nổ. Doanh thu từ du lịch tăng 50% tính theo giá cả thực tế từ năm 1995 đến năm 2008. Nhưng từ năm 2008 đến năm 2009, thị trường du lịch thế giới sụt giảm 10%. Đối với các quốc gia nhỏ, nơi doanh thu từ du lịch khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu, sự sụt giảm này gây ra khó khăn đối với nền kinh tế.
IMF đưa ra cách giải thích khác cho hoạt động kinh tế yếu kém của các quốc gia nhỏ bé, bao gồm vấn đề di cư cao. Một lý do khác là quy tắc thương mại. Đối với một số nền kinh tế nhỏ vốn phụ thuộc nặng vào xuất khẩu và tập trung xuất khẩu sản phẩm như chuối hoặc đường, cải cách gần đây của EU đã gây thiệt hại cho các quốc gia này.
Ví dụ như với mặt hàng đường ăn, năm 2005, Liên minh châu Âu đã giới thiệu chương trình giảm giá 36% đối với mặt hàng đường theo lộ trình trong vòng 4 năm. Điều này đã khiến xuất khẩu tổng thể mặt hàng đường của 6 quốc gia vùng Caribbean sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu tổng thể và gây ra sự mất cân bằng tài chính. Thị trường chuối đã bị ảnh hưởng bởi vấn đề tương tự.
Ngoài ra, nền kinh tế của các quốc gia nhỏ tại khu vực ven Thái Bình Dương còn bị ảnh hưởng bởi nhân tố con người. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố hôm 28/8 đã chỉ ra rằng, chuyển đổi mô hình kinh tế, thị trường lao động không ổn định trong khi tỷ lệ đói nghèo vẫn cao là những thách thức mà các quốc đảo nhỏ đang phải đối mặt.
Theo ông Nicholas Rosellini, Phó Giám đốc Văn phòng UNDP tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ hộ gia đình có ba con trở lên lâm vào nghèo đói đang ở mức rất cao so với mức trung bình của các nước khác, khoảng từ 27% đến 63%. Những bất cập trong kinh tế cũng tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế tại những nước này. Báo cáo trên chỉ rõ sự chuyển đổi từ hình thức nền kinh tế trao đổi hàng hóa sang nền kinh tế tiền tệ đã kìm hãm sự phát triển của những nước này.
Một hội nghị gần đây của IMF đã thảo luận về những gì các quốc gia nhỏ nên làm để tránh những vấn đề như vậy trong tương lai. Trong đó, trường hợp của nền kinh tế Mauritius được đưa ra làm điển hình: Những năm 1970, quốc gia này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc xuất khẩu đường, nay đã được các chuyên gia ca ngợi như một minh chứng cho sự đa dạng hóa nhanh chóng nền kinh tế.
Theo OECD, sản xuất phát triển mạnh mẽ tại Mauritius là nhờ nước này đầu tư mạnh vào khu chế xuất. Nghiên cứu của WTO đã phát hiện ra mối quan hệ giữa đa dạng hóa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tại Mauritius. Đối với các quốc gia nhỏ bé ven vùng biển Thái Bình Dương vốn bị cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm tổn hại tăng trưởng và đầu tư công thì Mauritius là một thực tế đáng học hỏi.