Niềm tin của doanh nghiệp FDI đã trở lại

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là một trong 3 thành viên Chính phủ trực tiếp tới địa bàn giải quyết thiệt hại cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do công nhân biểu tình bất hợp pháp gây ra. “Niềm tin của doanh nghiệp FDI đã trở lại”, ông Ninh cho biết sau khi vừa trở về từ Bình Dương, Đồng Nai.

Niềm tin của doanh nghiệp FDI đã trở lại - Ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh
Phóng viên: Niềm tin quay trở lại như ông nói thể hiện bằng những động thái nào, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Rõ nhất là sau vài ngày sự việc biểu tình đáng tiếc xảy ra, một số doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. Và đến bây giờ, tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã quay trở lại hoạt động. Đây là câu trả lời của nhà đầu tư nước ngoài rằng, họ thực sự yên tâm về tài sản, tính mạng, tin tưởng vào chính sách bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Niềm tin này chắc không phải tự nhiên mà có?

Đúng vậy. Chia sẻ với các bộ ngành, địa phương, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, khi mới xảy ra biểu tình, họ rất lo ngại về tài sản, tính mạng cũng như hoạt động sản xuất. Nhưng bây giờ thì họ yên tâm vì Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chỉ đạo xử lý đồng bộ, kiên quyết, kịp thời ngay sau khi biểu tình xảy ra. Mình hỗ trợ họ thật chứ không chỉ nói suông; hỗ trợ bằng chính sách cụ thể, rõ ràng nên họ rất yên tâm.

Phải nói thật rằng, lúc đầu doanh nghiệp FDI cũng chưa thật sự tin lắm vì cho rằng, mình chỉ nói chung chung, nhưng khi các thành viên Chính phủ xuống trực tiếp doanh nghiệp bị thiệt hại, cùng với người ta giải quyết khó khăn thì họ đã thực sự tin rằng, Nhà nước Việt Nam đang sát cánh cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn sau sự kiện đáng tiếc xảy ra. Đấy là điều thứ nhất.

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài lo ngại liệu có xảy ra những sự việc tương tự nữa hay không? Về vấn đề này, mình khẳng định với họ rằng, bằng mọi cách, sử dụng mọi biện pháp, mọi lực lượng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để bảo đảm an ninh trật tự. Và cuối cùng là, mình không chỉ tuyên bố mà đã có hành động cụ thể xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm pháp luật.

Ba điểm “cốt tử” này đã được mình xử lý dứt điểm, dứt khoát, kịp thời nên doanh nghiệp FDI rất yên tâm. Điều này không phải tôi nói ra mà trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp FDI bị thiệt hại do biểu tỉnh chia sẻ suy nghĩ của họ.

Doanh nghiệp nói chung thường có tâm lý lo ngại rằng, chính sách ban hành thì kịp thời nhưng xử lý thường chậm vì vướng rất nhiều thủ tục hành chính. Xử lý vấn đề doanh nghiệp FDI bị thiệt hại do biểu tình liệu tái diễn tình trạng này?

Chắc chắn là không vì Thủ tướng đã chỉ đạo phải đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mức tối đa nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khi đi kiểm tra tình hình thực tế và được biết, có doanh nghiệp bị cháy, mất hết sổ sách giấy tờ, cơ quan hải quan sẵn sàng cung cấp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cho doanh nghiệp mà không đòi hỏi bất cứ thủ tục hành chính nào theo quy định hiện hành. Có những lô hàng xuất khẩu bị mất tất cả giấy tờ, hồ sơ chứng minh hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan cũng cho xuất khẩu ngay và chỉ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, giấy tờ sau.

Tôi đã chỉ đạo, ở những địa phương có doanh nghiệp bị thiệt hại thành lập tổ công tác để xử lý kịp thời tất cả vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc.

Mới đây khi trả lời phóng viên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu cần thiết thì có thể miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp FDI bị thiệt hại, nhưng hiện tại Quốc hội chưa nhận được tờ trình của Chính phủ về vấn đề này?

Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang giải quyết miễn thuế, giảm thuế theo thẩm quyền. Nếu thấy cần thiết phải hỗ trợ thêm bằng giải pháp miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội.

Ông vừa đi làm việc với các doanh nghiệp FDI bị thiệt hại ở Bình Dương, Đồng Nai. Ông thấy thiệt hại của họ thế nào? Có cần thiết phải kiến nghị Quốc hội miễn, giảm, gia hạn thuế không?

Doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, và các địa phương có doanh nghiệp bị thiệt hại đang tiến hành tổng kết, thống kê thiệt hại nên chưa có số liệu chính thức. Nếu thiệt hại nặng mà thấy cần thiết phải sử dụng công cụ tài chính (miễn, giảm, gia hạn thiếu) vượt thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét để miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp.

Thưa Phó Thủ tướng, hiện đã có một số doanh nghiệp đề nghị Nhà nước bồi thường thiệt hại do biểu tình gây ra. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện thế nào?

Doanh nghiệp mua bảo hiểm hàng hóa, nếu bị thiệt hại sẽ được bồi thường kịp thời. Thông tin một số doanh nghiệp FDI yêu cầu Chính phủ bồi thường không chính xác.

Chính phủ chỉ thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại chứ không bồi thường. Không phải chỉ ở Việt Nam mà thông lệ trên thế giới cũng vậy, Chính phủ chỉ thực hiện hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan bất khả kháng chứ không bồi thường thiệt hại.

Doanh nghiệp FDI thấy rằng, Chính phủ vào cuộc kịp thời và đưa ra các phương án hỗ trợ thiệt hại nhằm chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp rất hợp tình, hợp lý, thỏa đáng nên chưa doanh nghiệp đặt vấn đề Chính phủ bồi thường thiệt hại.

Doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách của Chính phủ là vẫn trả lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian doanh nghiệp không sản xuất và toàn bộ chi phí này được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế. Chính sách này một mặt hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc, mặt khác giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí do phải ngừng sản xuất.