Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đang được cải thiện
Số liệu khảo sát của nhiều tổ chức cho thấy, trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chiều hướng sụt giảm thì niềm tin người tiêu dùng Việt Nam lại có xu hướng tăng.
Theo kết quả khảo sát của ANZ - Roy Morgan công bố ngày 25/11/2015, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng 1,2 điểm lên 142,3 điểm trong tháng 11 – mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, trên mức trung bình 133,3 điểm của năm 2014. Chỉ số tháng 11 gia tăng nhờ niềm tin của người tiêu dùng vào tình hình tài chính cá nhân tăng so với năm trước, cũng như mức độ lạc quan của người tiêu dùng trong quyết định mua các vật dụng chính trong gia đình.
Xét về tình hình tài chính cá nhân, 34% người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát (không thay đổi so với tháng 10) cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 11% người tiêu dùng (giảm 5% so với tháng 10) cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn”. Đây là mức thấp nhất từ trước đến nay được ghi nhận cho chỉ số này.
Bên cạnh đó, 56% người tiêu dùng (giảm 1% so với tháng 10) kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này năm tới. Chỉ có 3% người tiêu dùng tham gia khảo sát (giảm 2%) dự đoán tình hình tài chính gia đình họ sẽ “xấu hơn”. Đây cũng là mức thấp nhất được ghi nhận cho chỉ số này từ trước đến nay.
Xét về tình hình kinh tế nói chung, 55% người tiêu dùng Việt Nam (giảm 2% so với tháng 10) cho rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới. Ngược lại, chỉ có 9% người tiêu dùng (giảm 1%) dự đoán rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”. Đây là mức thấp nhất được ghi nhận cho chỉ số này kể từ tháng 3 năm 2015.
Xét về dài hạn, 59% người tiêu dùng (giảm 5% so với tháng 10) kỳ vọng rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới. Trong khi đó, 4% người tiêu dùng Việt Nam (giảm 1%) cho rằng tình hình kinh tế sẽ ở “trạng thái xấu”. Một lần nữa, đây cũng là mức thấp nhất từ trước đến nay được ghi nhận cho chỉ số này.
42% người tiêu dùng tham gia khảo sát (tăng 2% so với tháng 10) tin rằng “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình so với 8% người tiêu dùng (giảm 3%) cho rằng “đây là thời điểm xấu” để mua các vật dụng này. 8% người tiêu dùng tin rằng hiện tại không phải là thời điểm tốt để mua các vật dụng trong gia đình cũng là tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận cho câu trả lời này, kể từ tháng 11 năm 2014.
Cũng trong tháng 11 vừa qua, Hãng nghiên cứu Nielsen vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng (CCI) quý III/2015. Theo đó, trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chiều hướng sụt giảm thì niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng nhẹ, đạt 105 điểm.
Philippines giảm 5 điểm so với quý trước nhưng vẫn là quốc gia đứng thứ 3 toàn cầu về mức độ lạc quan với 117 điểm. Indonesia xếp thứ 4 với 116 điểm, Thái Lan vẫn đạt 111 điểm và xếp thứ 5 toàn cầu. Singapore tăng 2 điểm, đạt 101. Trong khi đó, Malaysia lại có sự sụt giảm lớn nhất trong khu vực, giảm 11 điểm so với quý trước, đạt 78 điểm và là quốc gia bi quan nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo cho thấy Đông Nam Á vẫn là khu vực tự tin và lạc quan nhất trên toàn cầu tuycó sự sụt giảm về chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở một số quốc gia trong quý này và Việt Nam trở thành quốc gia được xếp hạng thứ 10 trên toàn cầu về mức độ lạc quan của người tiêu dùng.
Nói về niềm tin người tiêu dùng Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, Ông Glenn Maguire nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái miễn dịch với cuộc suy thoái thương mại trong khu vực. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng cho thấy thị trường nội địa không bị ảnh hưởng bởi suy giảm thương mại trong khu vực và trên thế giới.
Khả năng miễn dịch và phục hồi của nền kinh tế Việt Nam được thể hiện rõ với việc chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) trở lại trên mức 50 trong tháng 10 và các số liệu kinh tế vĩ mô nhìn chung là ổn định.
Những nhận định lạc quan về tình hình tài chính cá nhân trong năm tới và mức độ sẵn sàng mua các vật dụng chính của các hộ gia đình cho thấy điều kiện thu nhập trong nước của nền kinh tế Việt Nam đang được cải thiện. Bên cạnh đó, Khi toàn bộ chi tiết của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố, những lợi ích tích cực từ TPP sẽ trở nên rõ ràng hơn và sẽ giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn”