Nợ công, chi tiêu ngân sách và "bài học Mỹ"

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Trong khi ngân khố đang hạn hẹp, Chính phủ trình đang phải tính đến phương án tăng bội chi thì các địa phương vẫn giữ tâm lý "đốt" tiền "chùa". Nếu không kiểm soát chi tiêu công chặt chẽ, Việt Nam dễ đối mặt với tình trạng của Mỹ hiện nay.

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ngày 1/10/2013 vừa qua đã tạo ra một chấn động mạnh mẽ trên toàn cầu và đặt ra những vấn đề lớn trong chi tiêu công của các Chính phủ trên thế giới.

Sự kiện này đặt giữa bối cảnh, tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang có dự kiến sẽ trình Quốc hội nâng tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên 5,3% GDP vào năm tới từ mức 4,8% GDP như hiện nay, cùng với đó là việc Bộ Tài chính đề xuất giảm lương.

Về vấn đề này, phóng viên đã có buổi phỏng vấn riêng với TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế công, từng từng tham gia Nhóm Tư vấn Chính sách, Bộ Tài chính. Ông cũng là đồng tác giả của các báo cáo có tiếng vang lớn trong thời gian vừa qua do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, mới đây nhất là báo cáo “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Phóng viên: Thưa ông, về dự kiến trình của Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc nới trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP đặt giữa bối cảnh hiện tại, ông có đánh giá như thế nào?

 Nợ công, chi tiêu ngân sách và "bài học Mỹ" - Ảnh 1
TS. Đinh Tuấn Minh,
chuyên gia lĩnh vực
 kinh tế công
TS. Đinh Tuấn Minh: Việc nâng trần bội chi để tăng chi đầu tư phát triển trong giai đoạn này, tôi cho rằng, điều này thể hiện việc cải cách ngân sách vẫn chưa được tốt.

Bởi trong giai đoạn tái cơ cấu thì việc giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp là một bước đi tích cực nhưng đồng thời với đó phải có những cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên để cải thiện năng suất của nền kinh tế.

Do đó, nếu hiện tại không cắt giảm được các khoản chi tiêu thường xuyên này để có tiền hỗ trợ đầu tư công thì phần nào cho thấy, Chính phủ chưa thực sự có những quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải cách nền kinh tế, trong đó có việc cải cách chính mình. Đó là điểm chưa được trong thời gian vừa qua.

Đánh giá của ông như thế nào về tình hình lãng phí ở các địa phương hiện nay, khi mà đầu tư công mặc dù đã được siết nhưng đâu đó vẫn còn câu chuyện mua thêm xe, xây thêm trụ sở hay các chương trình kêu gọi tiết kiệm, báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm lại được thực hiện tại những khách sạn hạng sang?

Theo tôi, có lẽ là Chính phủ vẫn chưa có một cái nhìn thực sự nghiêm túc về việc cắt giảm chi tiêu, tinh gọn bộ máy và làm thế nào để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả hơn.

Tất nhiên là cũng cần phải có một lộ trình trên tất cả những khía cạnh này, từ các hình thức tiết kiệm cho đến những hình thức nhằm tinh giảm biên chế.

Song, nếu nhìn vào mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương hiện này thì thấy rằng vẫn đang còn lỏng lẻo.

Rất nhiều khoản từ Trung ương đưa xuống địa phương nhưng lại không có được sự giám sát tốt nên chính quyền địa phương nhiều lúc lại chi tiêu như “tiền chùa”, “tài sản chùa” – đó là bất cập!

Để khắc phục tình trạng này, liệu có nên có những có chế như khoán chi tiêu hay các chế tài nhất định nào đó về phạt hay không?

Tôi không nghĩ rằng những quy định cụ thể như vậy sẽ có ý nghĩa mà quan trọng nhất là cần có một cơ chế rõ ràng về thu và chi ngân sách ở các địa phương. Tức là, những khoản địa phương tự huy động nhưng có thể tự đưa ra kế hoạch để chi tiêu, còn những khoản từ trung ương thì phải được giám sát để sử dụng đúng mục đích.

Hơn nữa, những khoản từ trung ương “rót” xuống cũng chỉ nên dành cho những mục tiêu mang tính liên tỉnh, mục tiêu quốc gia chứ không phải thuần túy cho riêng địa phương đó.

Còn việc giải ngân vốn nhà nước tại các dự án công, theo ông, đâu là vấn đề gây ra lãng phí? Do năng lực nhà thầu (nhất là nhà thầu được chỉ định) hay do tình trạng “lót tay”, tham nhũng, bớt xén tài sản công?

Tôi nghĩ, việc tham nhũng, bớt xén thì cũng không thể nào nói được một cách chính xác, nhưng có một điều mà ai cũng có thể nhìn ra là tất cả những khoản chi tiêu ngân sách nếu không có được sự giám sát chặt chẽ trong giải ngân thì sẽ bị chi tiêu một cách hoang phí. Cấp quản lý ở tầm thấp hơn họ sẽ không để tâm đến việc giám sát, đấu thầu và khiến giá thành bị đội cao lên rất nhiều.

Hiện tại xảy ra một tình trạng trong đầu tư công đó là, địa phương cứ vẽ lên các dự án và trình lên các cấp trung ương, sau đó trung ương lại rót vốn xuống để bù đắp, từ đó dẫn đến việc, địa phương vừa trình lên dự án lại vừa chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá tất cả các dự án đó trong khi Chính phủ ngoài việc rót vốn lại không kiểm soát được.

Đây là vấn đề đề mà nếu không có hướng giải quyết đúng đắn thì sẽ không thể nào cải thiện được chất lượng đầu tư công. Càng mở rộng ra thì càng phung phí tiền bạc mà chưa chắc hiệu quả đã tốt. Trong khi đó, cơ chế và quy trình giám sát của Chính phủ cần phải được phát huy, trước hết phải xem xét được, các dự án đó tốt hay xấu, nên hay không nên triển khai.

Có thể nói, khi Bộ Tài chính có đề xuất giảm lương thì dường như tình hình ngân sách đã trở nên cấp bách. Vậy, theo ông, việc phát hành trái phiếu để tăng thu có giúp Chính phủ giải quyết được vấn đề hay không?
 
Về mặt kế toán, việc phát hành trái phiếu để tăng nguồn thu đương nhiên là đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, nhưng cái quan trọng là điều đó có ảnh hưởng tới nền kinh tế và để lại hệ lụy hay không? Còn vay để tiêu thì đương nhiên là dễ rồi!

Đối với các doanh nghiệp thì nhu cầu về vốn luôn rất lớn, riêng với doanh nghiệp nhà nước, nếu Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ tiềm ẩn nợ công quốc gia, còn nếu không thì doanh nghiệp sẽ phải trả một mức lãi suất rất cao mới hấp dẫn được nhà đầu tư. Vậy theo ông, trong trường hợp này, Chính phủ nên ứng xử như thế nào?

Theo tôi, điều đầu tiên là Chính phủ không nên tài trợ cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, chỉ trừ những dự án công như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cần vay theo chương trình hợp tác công – tư (PPP) thì Chính phủ có thể cân nhắc bảo  lãnh để doanh nghiệp được vay vốn.

Còn tất cả những dự án khác có tính kinh tế thương mại thì dù đó là những dự án về xây dựng nhà máy điện, xi măng thì cũng nên tránh việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh. Rủi ro liên quan đến hiệu quả kinh tế thì không thể nào biết được, không lường trước được. Đó là việc mà doanh nghiệp phải tự thu xếp.

Còn quan ngại rằng nếu trái phiếu không được Chính phủ bảo lãnh thì tính hấp dẫn sẽ kém đi, doanh nghiệp phải trả lãi suất cao hơn thì tôi nghĩ, đó không phải đó là điều đáng lo.

Thực tế cho thấy, bản thân rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân như Vingroup hay Hoàng Anh Gia Lai họ cũng đã tự phát hành trái phiếu, tự đi vay và vẫn vay được với một mức lãi suất đảm bảo, hợp lý. Các doanh nghiệp khác cũng hoàn toàn có thể  làm được nếu kinh doanh tốt.

Ở đây, nhiệm vụ của Nhà nước là ổn định được kinh tế vĩ mô để có được một mặt bằng lãi suất thấp, tự khắc lúc đó các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những nguồn vốn tốt trên thế giới.

Bối cảnh của Việt Nam hiện này có gì khác với các nước khác và chúng ta cần làm gì để tránh suy kiệt ngân sách như vậy, thưa ông?

Việt Nam có khác các nước là chúng ta đang trong thời gian mới bắt đầu và có thể nhìn các nước khác để rút ra những bài học.

Các nước khác đã xảy ra tình trạng đó rồi và đang phải xử lý. Thật ra mức nợ hiện tại của Việt Nam bây giờ trên kinh nghiệm quốc tế vẫn chưa phải là đáng báo động, nhưng từ đấy đến mức đáng bảo động cũng không còn xa.

Bên cạnh nợ công thì một vấn đề rất đáng quan tâm là chúng ta bị rơi vào tình trạng mất cân đối ngân sách có tính thường xuyên. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn và nhất là khi chúng ta đang có xu hướng nâng mức bội chi ngân sách thì nguy cơ sẽ sớm đối diện với tình trạng bất ổn hơn.

Nếu chúng ta không có phương án quản lý chi tiêu công một cách chặt chẽ thì trong tương lai có thể sẽ dễ gặp phải tình trạng như châu Âu và Mỹ bây giờ.

Vậy theo ông, vấn đề quan trọng nhất cần đặt ra ở thời điểm hiện tại là siết chi tiêu, giám sát chi tiêu hay tăng thu?

Quan trọng nhất bây giờ có hai điểm:

Thứ nhất, phải giảm chi của Chính phủ, đặc biệt là giảm chi thường xuyên.

Thứ hai, phải quản lý và xem lại cơ chế đầu tư công một cách cẩn trọng hơn để làm thế nào đồng tiền cung ứng ra phải được sử dụng hiệu quả nhất.

Đó là những việc phải làm trước khi có các quyết định về mặt tăng đầu tư công, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và có thể gây ra những bất ổn trong các cán cân kinh tế vĩ mô, nhất là nợ công.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, tăng đầu tư công là cần thiết để hồi phục tăng trưởng kinh tế. Quốc gia nào cũng cần đầu tư công ở một mức độ nhất định và ổn định. Nhưng, nếu quay sang hướng này quá sớm trong khi chưa giải quyết được khoản chi thường xuyên cũng như nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công thì sẽ lặp lại tình trạng như những năm vừa qua và sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì.