Nợ công nước phát triển: Như vừa bước ra từ Thế chiến

Theo gafin.vn

(Tài chính) Một kỷ lục buồn - nợ công tại các nền kinh tế phát triển năm 2014 sẽ đạt 117,4% GDP, vượt kỷ lục cũ 116% GDP khi Thế chiến II kết thúc.

Nợ công nước phát triển: Như vừa bước ra từ Thế chiến
Nợ công tại các nền kinh tế phát triển năm 2014 sẽ đạt 117,4% GDP. Nguồn: internet
Năm 1945, các nước lớn đã bước ra từ cuộc chiến tranh thảm khốc với số nợ khổng lổ. Khi đó, 10 chính phủ bao gồm Pháp, Đức, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã gánh tổng nợ lên tới 116% GDP vì tài trợ cho các cuộc chiến.

Nhưng con số mới thiết lập trong năm nay sẽ vượt qua kỷ lục cũ. Nợ công của các nền kinh tế phát triển trong năm 2014 sẽ tăng lên 117,4% GDP, mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai (WWII), theo báo cáo "Dự báo nợ nước nước ngoài năm 2014" được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố cuối tuần trước. Quả là một kỷ lục "buồn".

Theo phần lớn các chuyên gia kinh tế, nợ công của các nền kinh tế phát triển còn tăng cao hơn nữa trong năm 2015 trước khi bắt đầu giảm vào năm 2016.

Tuy nhiên, những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Kể từ 3 năm nay, tỷ lệ thâm hụt ngân sách liên tục giảm lần lượt từ 5,9% GDP năm 2012, xuống 4,8% năm 2013 và dự báo sẽ ổn định ở mức 4% trong năm 2014.

Hơn nữa nhu cầu vay mượn của các nước liên tục giảm. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2009, nhu cầu vay ròng của các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm xuống 1.500 tỉ USD - mức thấp nhất kể từ Đại khủng hoảng.

Vậy là năm năm sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, "những dấu hiệu mong manh của một sự phục hồi kinh tế đã bắt đầu" nhưng liệu đe dọa từ khủng hoảng nợ công đã có thể được bỏ lại phía sau?

Có lẽ còn hơi sớm để khẳng định. Nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ sớm nâng lãi suất vào giữa năm 2015. Khi đó, để giữ dòng vốn không tháo chạy, các nền kinh tế phát triển khác cũng phải nâng lãi suất lên mức đủ hấp dẫn. Kéo theo đó, chi phí vay nợ của chính phủ cũng sẽ tăng cao. Mặc dù nhu cầu vay nợ đã giảm nhưng áp lực trả nợ lại lớn hơn.

Để tránh rủi ro trên, một mặt các chính phủ cần phát hành nhiều trái phiếu dài hạn hơn. Mặt khác, các nước lớn cần hoạch định chính sách một cách rõ ràng và thông báo ra sớm nhất có thể.

Tháng 5/2013, chỉ bằng những lời bóng gió của cựu Chủ tịch Fed - ông Ben Bernanke về sự cân nhắc cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng lần ba (QE3), các nền kinh tế mới nổi đã bốc hơi lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục. Những tác động bất lợi không được cảnh báo trước có nguy cơ biến tình hình nợ công trở nên phức tạp hơn.

Không còn là hậu quả của chiến tranh, mà lần này nợ công tiếp tục lập kỷ lục cho thấy các nền kinh tế lớn đang gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.Khoảng thời gian sau thế chiến và suốt thời kỳ chiến tranh lạnh là một bài học quý báu để chỉ ra cách làm sao có thể vượt qua thử thách.

Nếu như các nền kinh tế lớn tại châu Âu đã hồi phục sau thế chiến thứ hai nhờ sự giúp đỡ không nhỏ của Mỹ với kế hoạch Marshall (Kế hoạch phục hưng châu Âu). Nói cách khác, các nước lớn đã gác lại mâu thuẫn trong quá khứ để cùng chung tay vượt qua thời khắc khó khăn sau sự rạn vỡ. Lần này cũng vậy, có lẽ các nước cần liên kết trong sự thống nhất của minh bạch, rõ ràng và cùng theo đuổi chính sách vay nợ bền vững hơn bằng những khoản vay dài hạn và bền vững hơn trong tương lai.