Nợ đọng, gian lận gây thất thu thuế
(Tài chính) Chỉ tiêu Bộ Tài chính đưa ra là thu ngân sách năm 2014 vượt 8 - 10%. Thế nhưng, dù thu vượt thì ngành tài chính cũng vẫn lo, đó là lo nợ đọng thuế và gian lận để trốn thuế. Kết thúc năm 2014, có 8 địa phương có số nợ thuế tăng cao hơn năm 2013 là 30%. Trong khi, các địa phương cho biết không ít chiêu trò để gian lận thuế của doanh nghiệp (DN).
Với những trung tâm kinh tế lớn như TP. Đà Nẵng thì tình trạng nợ đọng thuế càng lớn. Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết, thành phố đã tổ chức các tổ thu nợ từ thành phố đến các quận, huyện, trong đó có cán bộ ngành thuế. Đặc biệt, các tổ thu nợ tập trung thu nợ đọng đất đai. Năm qua, ngành thuế tỉnh đã thu được gần 500 tỷ tiền thuế nợ đọng từ 2013 chuyển sang 2014, qua phạt, truy thu cũng thu được 130 tỷ. Kết quả của công tác thu nợ đọng cho thấy, nếu làm quyết liệt sẽ đạt mục tiêu thu ngân sách đặt ra.
Theo Tổng cục Thuế, năm 2014, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra chống gian lận, thất thu thuế với khoảng gần 68.000 doanh nghiệp và đã kiến nghị xử lý thu vào ngân sách tới trên 12.200 tỷ đồng. Bên cạnh biện pháp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, tỉnh triển khai giải pháp mạnh, đó là tạm dừng, không cho các DN còn nợ ngân sách không được tham gia đấu thầu quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ. Qua kiểm nghiệm thì đây là giải pháp hiệu quả.
Không chỉ nợ đọng thuế lớn, tình trạng gian lận thuế cũng nhức nhối. Tổng cục Thuế cho biết, sau khi thanh tra, kiểm tra gần 2.900 doanh nghiệp kêu lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và có hoạt động giao dịch liên kết, đã giảm lỗ hơn 5.800 tỷ đồng, đồng thời truy thu, truy hoàn và phạt 1.700 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, tỉnh đã phát hiện biểu hiện chuyển giá của DN và kịp thời ngăn chặn. Biểu hiện chuyển giá tại Lâm Đồng không chỉ là khai giá bán thấp hơn giá thực tế hoặc giá xuất thực tế, mà còn là định giá tài sản đầu tư rất cao để tính khấu hao cao. Từ khấu hao cao thì giá thành cao và DN lỗ triền miên để khỏi phải nộp thuế thu nhập DN.
Ông Nguyễn Văn Yên cũng nêu ra hình thức chuyển giá nữa, đó là các DN mẹ khi đã hết thời kỳ được ưu đãi về thuế, lại thành lập DN con, coi như đó là mở rộng sản xuất, sau đó chuyển hoạt động sản xuất xuống DN con để lại tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế trong phần mở rộng sản xuất.
Có thể lấy một ví dụ để thấy số nợ đọng thuế này nếu thu được đủ, sẽ có ý nghĩa lớn cho nguồn thu ngân sách. Đó là việc giá dầu thô xuất khẩu giảm mạnh, và mỗi 1 USD giảm, khiến ngân sách thất thu 1.000 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, giá dầu đã giảm khoảng một nửa, nghĩa là ngân sách thất thu khoảng 40-50 nghìn tỷ đồng. Nếu thu được 2/3 số nợ đọng thuế, thì cũng gần bù đắp được thất thu từ xuất khẩu dầu thô.
Do đó, đôn đốc thu nợ đọng và chống gian lận trốn thuế, gây thất thu thuế, luôn phải là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thuế. Điều đó không chỉ bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách, góp phần giảm bội chi, mà còn giúp các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng thực hiện nghĩa vụ thuế.