Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Với quan điểm, phát huy lợi thế, hiệu quả nguồn lực, vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ làm động lực phát triển, TP. Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,5-8%...
Tăng trưởng 5,75%
Ông Lê Ngọc Bảy - Cục trưởng Cục Thống kê TP. Cần Thơ, cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của thành phố tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng không cao, chưa đạt được kế hoạch mà thành phố đã đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được thể hiện được sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023, tăng 5,34%.
Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 118.491,21 tỉ đồng, tăng 10,03% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 9,35% trong vùng ÐBSCL. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 11.600,84 tỉ đồng, chiếm 9,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 35.877,1 tỉ đồng, chiếm 30,28%; khu vực dịch vụ đạt 63.186,44 tỉ đồng, chiếm 53,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7.826,82 tỉ đồng, chiếm 6,6%.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2023 đạt mức 94,12 triệu đồng/người/năm, tăng 9,45% so với năm 2022. So với các tỉnh vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ vẫn giữ vị trí thứ 2 sau tỉnh Long An (96,42 triệu đồng/người/năm)…
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 của thành phố tiếp tục phát triển vườn cây ăn trái theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh, chất lượng cao, tạo mối liên kết tập trung quy mô phù hợp, nhằm thúc đẩy tăng tính cạnh tranh sản phẩm trái cây trên thị trường, từng bước khai thác lợi thế tiêu thụ nội địa, chế biến xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái. Hoạt động chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… Theo đó, giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước năm 2023 đạt 6.548,82 tỉ đồng, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,35 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ, tỷ trọng của khu vực này luôn duy trì ở mức trên 30% trong tổng cơ cấu GRDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ước năm 2023 khá khiêm tốn, chỉ tăng 3,78% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 1,14 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ được thành phố xác định là khâu đột phá quan trọng trong nền kinh tế thành phố và chiếm tỷ trọng cao. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ ước năm 2023 đạt 33.213,82 tỉ đồng, tăng 7,57% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 3,96 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 53,33% trong GRDP, tuy nhiên, với mức tăng trưởng 7,57% đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của toàn nền kinh tế...
Ðồng bộ giải pháp
Bước sang năm 2024, TP. Cần thơ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5-3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9-9,5%; dịch vụ tăng 7,8-8,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6-6,5%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2024 đạt 104-106 triệu đồng.
Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,93-8,87%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,57-31,59%; dịch vụ chiếm 53,13-53,14% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,37-6,4% trong cơ cấu GRDP. Song, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo vẫn còn nhiều thách thức, do đó TP. Cần Thơ nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra.
Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các quận, huyện trong thành phố mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ, cho biết: Sở tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm do Sở làm chủ đầu tư như đường vành đai phía Tây, các đường tỉnh 917, 918, 921, 923; đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Bên cạnh đó, Sở làm tốt vai trò tham mưu UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn thành phố…
Theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, Ngành Công Thương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa. Ðồng thời, theo dõi diễn biến thị trường, quan tâm nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu UBND thành phố điều hành. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, liên kết ngành để kết nối tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường…
Ðể hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HÐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ðồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách theo quy định, giữ vững ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, tận dụng các cơ hội cho phát triển.
Thành phố thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới, tiên tiến; trong đó chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, khơi thông, huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; công tác quản lý đô thị, đất đai; cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế…