Nỗ lực xử lý nợ xấu
Sau 10 năm triển khai chương trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu (giai đoạn 2011 - 2020), hệ thống tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã hoạt động an toàn, lành mạnh hơn; chất lượng tài sản được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%; nâng cao quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động…
Tuy nhiên, sức khỏe hệ thống vừa được cải thiện nay lại phải chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khiến rủi ro tín dụng đang có xu hướng gia tăng và tạo áp lực nợ xấu. Trong đó, áp lực nợ xấu không chỉ từ các khoản nợ cơ cấu tiềm ẩn rủi ro trong tương lai mà việc xử lý nợ xấu cũng đang gặp khó khăn do rào cản dịch bệnh.
Thực tế, nợ xấu ngành ngân hàng đã tăng mạnh so với thời gian trước dịch COVID-19. Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 cho nên ngành ngân hàng vẫn có thể gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,66% tổng dư nợ cho vay, đầu tư. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).
Đáng chú ý, không chỉ nợ xấu tăng nhanh mà công tác xử lý nợ xấu cũng đang gặp rất nhiều rào cản. Do ảnh hưởng của dịch, nhiều địa phương giãn cách xã hội, các tổ chức tín dụng và VAMC không thể gặp trực tiếp khách hàng cho nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thu hồi nợ, đấu giá tài sản, thi hành án,... Trong khi, Nghị quyết số 42 của Quốc hội - công cụ đắc lực nhất để xử lý nợ xấu chỉ còn chưa đầy một năm nữa sẽ hết hiệu lực.
Theo nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần báo cáo Chính phủ sớm tổng kết Nghị quyết số 42 của Quốc hội để trên cơ sở đó đề xuất trình Quốc hội cho kéo dài hiệu lực nghị quyết này hoặc ban hành Luật Xử lý nợ xấu. Mặt khác, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định cho phép khoanh nợ đối với khoản dư nợ chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 nặng nề từ 1 - 2 năm; áp dụng như Nghị định 55/NĐ-CP và Nghị định 116/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/NĐ-CP về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đối với trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Các chuyên gia kinh tế đến từ các tổ chức nước ngoài cũng khuyến nghị, để xử lý nợ xấu hiệu quả cần sớm có giải pháp toàn diện. Theo đó, về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần có một khung chính sách đầy đủ và rõ ràng để xử lý nợ xấu trong hệ thống, không gây trở ngại cho quá trình ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng có trách nhiệm chính trong việc xử lý nợ xấu ở cấp độ riêng và bảo đảm thời gian, hiệu quả xử lý.