Nợ xấu “hậu” Nghị định 67 đang ở mức 33%
Cụ thể, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 67 khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu hiện nay là 33%.
Đó là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sáng ngày 6/11.
Thống đốc Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã hỗ trợ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sẽ kiên quyết loại bỏ các chính sách không phù hợp
Đại biểu Phan Thái Bình - Quảng Nam đánh giá, thời gian qua, thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ đã tạo động lực phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn. Chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ cũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đến nay có 55 tàu, trong đó có đến 36 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không duy tu, bảo dưỡng, không thực hiện đăng kiểm trở lại khi hết thời hạn theo quy định. Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Nợ xấu trong lĩnh vực này chiếm 27,8%, trong đó như Quảng Nam nợ xấu trong lĩnh vực này chiếm đến 52,17% tổng dư nợ xấu trên địa bàn. Đồng thời, thời gian qua cũng đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ để trục lợi.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên. Giải pháp nào để các tàu cá không tiếp tục dừng hoạt động và các ngân hàng có thể thu hồi được nợ , giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 được Chính phủ ban hành năm 2014 trong một bối cảnh khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế, cùng với đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Hai nội dung này song trùng, vì năm 2014 xuất hiện hiện tượng các vấn đề của biển Đông rất phức tạp như vậy. Trên cơ sở đó, Nghị định số 67 được ra đời, bao gồm năm nhóm nội dung lớn:
Một là, hỗ trợ, khuyến khích bảo hiểm để cho thuyền viên ra khơi yên tâm.
Hai là, hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm chia sẻ bớt một phần.
Ba là, hỗ trợ công tác hậu cần để có nguyên liệu chia sẻ, đảm bảo các chuyến ra khơi như thế có lời hoặc đảm bảo khuyến khích được.
“Cuối cùng, hỗ trợ để phát triển phương tiện mới, chính là tàu mà chúng ta cứ nói là tàu 67”.
Kết quả cho đến giờ phút này, về phát triển phương tiện, đã phát triển được 1.030 phương tiện, với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên, bằng ba loại vật liệu, đó là vật liệu sắt, vật liệu Composite và vật liệu gỗ. Riêng tàu sắt là một dạng hình đóng mới, có 358 chiếc, bằng 34,2% trong tổng số 1.030 tàu.
“Hiện nay còn 55 chiếc tàu đóng theo Nghị định số 67 này nằm bờ không ra khơi được. Ở đây xác định có 5-6 nhóm nguyên nhân: Một là, đánh bắt không hiệu quả, bởi vì ngư trường hiện nay quá tải. Nhóm nguyên nhân thứ hai, có hai đối tượng chủ tàu chết. Thứ ba, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động rất muốn chuyển đổi. Một số từ hiệu quả đó không tích cực tham gia, dẫn đến câu chuyện có hơn 30% đến kỳ bảo dưỡng nhưng không đi bảo dưỡng là vì việc đó”, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Để giải quyết vấn đề, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ nhiều quyết sách, như:
Một là, xác định rõ trước hết về vấn đề tiềm năng ngư trường của chúng ta không khuyến khích nhiều.
Hai là, phương thức đầu tư hỗ trợ tín dụng theo Nghị định 115 tỏ ra không phù hợp, tức là cơ chế đóng 1.030 tàu cho khuyến khích lãi suất từ 5-7% tùy khối lượng của tàu, giá trị của tàu không có tác dụng nhiều và tạo ra tâm lý ỷ lại và theo đuổi ngân hàng rất vất vả.
“11 năm không ai theo đuổi được, nên dẫn đến câu chuyện như thế”, Bộ trưởng Cường chia sẻ. Vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay một Nghị quyết thay đổi đó là Nghị định 17, không khuyến khích việc đóng tàu nữa, mà ai có đủ điều kiện ra khơi, có năng lực, có kinh nghiệm, có tiềm lực thì tự đóng và Nhà nước hỗ trợ một lần. Cụ thể, đóng xong con tàu, Nhà nước hỗ trợ tối đa 35%, với trị giá từ 6-8 tỷ đồng tùy loại công suất.
“Từ năm 2018 chúng ta chuyển hẳn sang dạng này, đến nay có 40 chiếc làm theo kiểu này. Bởi vì, chỉ có dạng này, thì người dân tự nguyện bỏ tiền ra, người dân có đủ điều kiện mới khai thác hiệu quả được. Đến nay, phản hồi trong số 40 chiếc này có hơn 30 chiếc đã đóng xong, đi vào hoạt động không có một điều tiếng gì. Đó là về rút kinh nghiệm để sửa ngay chính sách”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp chốt lại.
Bộ trưởng Cường cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 28 tỉnh, thành tổng kết sâu sắc Nghị định 67.
“Cho đến giờ phút này các tỉnh tổng kết xong. Trong tháng 12 này, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết tất cả 28 tỉnh, thành để đưa ra các quyết sách riêng, dù sao chúng ta vẫn phải xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách để khuyến khích ngư dân, còn phương thức gì không phù hợp, chính sách gì không phù hợp kiên quyết loại ra”, Bộ trưởng Cường chỉ rõ.
Rà soát các trường hợp để cơ cấu nợ
Giải trình thêm các vấn đề liên quan đến một số giải pháp về cơ chế chính sách để xử lý vấn đề cho vay theo Nghị định số 67, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện nay, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 67 khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu hiện nay là 33%.
Trước diễn biến tình hình, từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước với trách nhiệm theo dõi hoạt động tín dụng đã chủ động báo cáo Thủ tướng và có chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan để triển khai các biện pháp.
Trong thời gian vừa qua, về phía ngân hàng, Thống đốc cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trên thực tế, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều những khách hàng nông dân, ngư dân vay vốn.
Cụ thể là ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.
Tuy nhiên, trước những diễn biến tình hình nợ xấu còn tiếp tục phát sinh, cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới đây sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản và các nhóm nghề và ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương để tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018. Trong đó, tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp.
“Trong những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ. Trong những trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ỳ thì cũng phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ”, Thống đốc chỉ rõ.
Đối với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt, có các giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
“Với các giải pháp này đòi hỏi các bộ, ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc nhấn mạnh.
Nguồn lực để thực hiện Nghị định số 57 sẽ được bố trí trong giai đoạn 2021-2025
Về các chính sách hiện nay để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và công nghệ cao nói riêng, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chính sách về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đến nay đã tương đối đầy đủ, bằng Nghị định số 57/NĐ-CP, ngày 14/4/2018.
Chính phủ mới đây cũng đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP, ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững và hiện nay cũng đang triển khai tiếp tục các chính sách của Nghị định số 57.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho Thủ tướng để rà soát quá trình triển khai giải pháp và đã quy định trong Nghị định số 57 và Nghị quyết 53. Thứ hai, Bộ cũng tham mưu, bố trí các nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tới.
Lý giải vì sao chưa triển khai được vấn đề này, Bộ trưởng Dũng cho biết, vì chính sách của chúng ta mới ban hành, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thông qua trước đó và đã triển khai ở giai đoạn cuối.
“Như vậy, tất cả chính sách cần phải đầu tư theo Nghị định số 57 sẽ được triển khai vào giai đoạn sắp tới 2021-2025. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương và theo các chính sách của Nghị định số 57, xây dựng các chương trình, dự án cho giai đoạn sắp tới”, Bộ trưởng Dũng báo cáo với Quốc hội.