Nợ xấu cũ chưa xong, lo nợ xấu mới phát sinh

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng giảm nhiều. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu mới phát sinh nhanh trong giai đoạn nền kinh tế đối mặt với những khó khăn và thách thức mới cần phải được lường trước.

Kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Nguồn: internet
Kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Nguồn: internet

Nợ xấu cũ cần xử lý còn lớn

236,8 nghìn tỷ đồng là số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 31/8/2019, đó là thông tin vừa được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tính trung bình, toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình giai đoạn 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy, ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Nhờ kết quả tích cực trên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành xác định theo Thông tư 02 tiếp tục duy trì ở mức dưới 2% là 1,98%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu tới hết tháng 8/2019 là 4,84%, vẫn giảm mạnh so với mức 7,36% năm 2017 và 5,85% năm 2018. Với tỷ lệ 4,84%, quy mô nợ cần xử lý nói trên đến cuối tháng 8/2019 vào khoảng 368,3 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nỗi lo ngại khác là các món nợ xấu mới vẫn đang phát sinh với dấu hiệu nhanh hơn, khiến gánh nặng đè lên nền kinh tế nói chung và hệ thống các ngân hàng nói riêng đang gia tăng.

Theo báo cáo tài chính các ngân hàng, nợ xấu của hầu hết nhà băng đều gia tăng so với đầu năm, dù công tác thu hồi, xử lý nợ xấu vẫn được báo cáo đạt kết quả tích cực trong thời gian qua. Diễn biến này có thể đến từ việc các ngân hàng chủ động chuyển các khoản nợ đã tái cơ cấu trước đây theo Quyết định 780, cũng không loại trừ khả năng buộc phải chuyển nợ xấu từ những khoản cho vay mới gần đây. 

Rủi ro phát sinh nợ xấu mới

Thực tế thời gian qua, đã phát sinh nhiều yếu tố có thể gây áp lực gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng. Đầu tiên, ở mảng cho vay tiêu dùng đã tăng nóng suốt thời gian qua, nhưng việc thẩm định, phê duyệt dễ dãi kéo chất lượng các khoản vay xuống thấp, thậm chí không ít trường hợp thông tin khách hàng bị lấy cắp để làm giả các hồ sơ vay tiêu dùng. Những vụ việc ngân hàng cấp tín dụng sai đối tượng, quản lý thông tin khách hàng vay vốn không đúng, dẫn đến việc đòi nợ sai đối tượng, gây nhiều phiền hà cho khách hàng, khiến nhà điều hành phải có những cảnh báo nhắc nhở là minh chứng cụ thể.

Các khoản vay đối với dự án BOT, BT cũng đang gặp vấn đề sau thời kỳ tăng trưởng nóng trước đó, khi nhiều dự án phát hiện sai phạm, một số nhà đầu tư có nguồn vốn hạn chế nhưng vẫn “mượn đầu heo nấu cháo”, điểm đặt sai vị trí gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn rủi ro thất thu khi người dân không đồng thuận. Rủi ro từ cho vay BOT, BT quá lớn nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ lâu đã sớm cảnh báo hạn chế cho vay ở lĩnh vực này. Dù vậy, những ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực này trước đây, hiện không dễ dàng gì để rút vốn hay yêu cầu khách hàng trả nợ trước hạn.

Bên cạnh đó, dù NHNN luôn yêu cầu thắt chặt dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, triển khai chính sách như nâng hệ số rủi ro đối với dư nợ cho vay bất động sản, nhưng thực tế nhiều ngân hàng vẫn tích cực cho vay trong lĩnh vực này và lách hệ số rủi ro bằng cách hạch toán vào cho vay tiêu dùng. Điều đó khiến NHNN phải dự thảo sửa đổi quy định bằng cách tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay tiêu dùng có kỳ hạn từ ba năm trở lên. Việc thị trường bất động sản nóng sốt cục bộ trong những năm qua, rồi nhanh chóng nguội lạnh khiến không ít nguồn vốn bị mắc kẹt, trong đó không ít là vốn vay từ ngân hàng, dẫn đến rủi ro nợ xấu khi cho vay bất động sản cũng gia tăng.

Với tình hình kinh tế toàn cầu đang đối mặt với bất ổn, suy thoái, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, khiến hoạt động của các doanh nghiệp sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Đây cũng là mối nguy có thể khiến các khoản vay cho doanh nghiệp sẽ thành nợ xấu. 

Mới đây, ngày 16/10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, một phần do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm gia tăng rủi ro đối với vấn đề vay nợ của doanh nghiệp, có thể gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.

Một điểm quan trọng nữa là thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh rót vốn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đang trong giai đoạn cực kỳ sôi động. Điều cần lưu ý, nhiều trái phiếu doanh nghiệp dù lãi suất cao nhưng thiếu tài sản bảo đảm, cũng có thể là các khoản nợ xấu tiềm năng trong tương lai nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào cảnh khốn đốn khi chi phí tài chính gia tăng.