Nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng kiến nghị gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN
Việc tiếp tục gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được đánh giá là động thái quan trọng của cơ quan quản lý để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề gia hạn thêm trong thời gian bao lâu cần xem xét kỹ.
Các ngân hàng cho biết với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, khả năng trả nợ của khách hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, các ngân hàng mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo dài hiệu lực của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng đến 1 năm thay vì chỉ đến hạn 30/6 sắp tới.
Nhà băng "đau đầu" vì nợ xấu
Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu của Vietcombank đạt 12.455 tỷ đồng, chiếm 0,98% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu tăng 4.635 tỷ đồng, tương đương 59,3% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,68% lên 0,98%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng từ 6.623 tỷ đồng lên 7.841 tỷ đồng.
TPBank từng nằm trong nhóm có chất lượng tài sản đảm bảo với tỷ lệ nợ xấu dưới 1% năm 2022. Tuy nhiên sang năm 2023, tổng nợ xấu đến cuối năm đã lên mức 4.200 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cuối năm 2022. Tương ứng, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng của TPBank cũng tăng lên 2,04% tại thời điểm cuối năm 2023.
Tại Techcombank, chất lượng nợ cho vay cũng kém hơn. Báo cáo tài chính thể hiện tổng nợ xấu cuối năm 2023 của Techcombank đạt 5.999 tỷ đồng, tăng 97,8% so với cuối năm 2022.
Tương tự, đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của Sacombank là 10.984 tỷ đồng, tăng tới 155,5% so với đầu năm.
Các ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng cao như: Bac A Bank đạt gần 914 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2022; NCB đạt 16.469 tỷ đồng, tăng 92,5%; MB đạt 9.805 tỷ đồng, tăng 94,9%; ACB đạt 5.887 tỷ đồng, tăng 93,3%; MSB là 4.281 tỷ đồng, tăng 106,9%...
Các chuyên gia nhận định, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, khả năng trả nợ của khách hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi nợ xấu cũ chưa được xử lý xong thì có thể có thêm nợ xấu mới khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực vào ngày 30/6 tới, như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp.
Hơn nữa, tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tại một vài nhà băng lên đến 80-90%. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất, nhưng việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn vì thị trường bất động sản chưa "rã băng".
Có nên gia hạn Thông tư 02 và gia hạn bao lâu?
Trong cuộc họp về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mới đây, ông Phạm Quang Thắng - Phó tổng giám đốc Techcombank cho hay, nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1/2024 ngang bằng với cuối năm 2023, với tỷ lệ 1,2%.
Số nợ được cơ cấu lại của khách hàng tại Techcombank theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đến cuối tháng 1/2024 là khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, theo ông Thắng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ thì Techcombank cũng kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.
Tương tự, ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LPBank, cho biết ngân hàng này đã cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Tuy nhiên, việc trả nợ đến khi Thông tư này hết hạn vào ngày 30/6 là câu chuyện khó khăn đối với nhiều khách hàng. Do đó, ngân hàng mong muốn được NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Không chỉ Techcombank, LPBank mà hầu hết các ngân hàng đều lên tiếng kiến nghị gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu, gia hạn nợ để khách hàng "thong thả" hơn trong việc trả nợ. Theo ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB, NHNN nên xem xét gia hạn thêm 1 năm, tức đến tháng 6/2025, để giúp khách hàng và ngân hàng có điều kiện và thời gian trong việc trả nợ.
Lãnh đạo SeABank cũng kiến nghị kéo dài thời gian của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng hoặc 1 năm để khách hàng có thời gian trả nợ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, room tín dụng năm 2024 không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay. Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng.
"Nên gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, đồng thời có biện pháp để xử lý các hội nhóm "bùng nợ" công khai hiện nay", ông Hùng đề nghị.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, việc xây dựng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN là dựa trên cơ sở khó khăn của thị trường, khách hàng và dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là một mặt phải tháo gỡ khó khăn của người dân, nhưng mặt khác là phải đảm bảo sự chặt chẽ và đảm bảo an toàn, do đó đòi hỏi cơ quan quản lý luôn phải chặt chẽ. Trên cơ sở kiến nghị của các ngân hàng, NHNN sẽ xem xét, lấy ý kiến của các ngân hàng thương mại về việc gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Tại hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng năm 2024 được tổ chức hồi đầu năm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đánh giá, cần thiết gia hạn thêm Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được đảm bảo. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn nhưng có điều kiện phục hồi.