Nợ xấu: Tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Minh Huệ

(Tài chính) Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thừa nhận nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của toàn hệ thống là 160.940 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối tháng 5/2014 và tăng 38,2% so với cuối năm 2013.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu trong bối cảnh hoạt động còn nhiều khó khăn. Đến cuối tháng 6/2014, số dư dự phòng còn lại của toàn hệ thống đạt mức 77.300 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013. 

“Nếu toàn bộ số dự phòng này được sử dụng để xử lý nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ giảm xuống còn khoảng 2,2%. Do vậy, vấn đề nợ xấu hiện nay cũng không đáng quan ngại và trong tầm kiểm soát vì quỹ dự phòng của các TCTD ở mức khá và tiếp tục có xu hướng tăng”, ông Nghĩa khẳng định.

Nợ xấu vẫn phình to

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng cũng cho thấy nợ xấu đang tăng lên, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn. Ví như VietinBank với tổng nợ xấu đến thời điểm 30/6/2014 đã lên đến 9.576,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 6 tháng trước đó, trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ 33,1%. 

Hay như Vietcombank với nợ xấu là 3,09%, tương đương hơn 9.030 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gần 71%, tương đương gần 4.770 tỷ đồng. Hay như Eximbank với tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,98% cuối 2013 lên 2,94%; SHB là 4%; ACB là 3,6%, MB là 3,1%...

“Nợ xấu tăng lên theo quy định mới về phân loại nợ cũng phản ánh quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc phân loại và xử lý nợ xấu. Với kết quả phân loại nợ theo Thông tư 02 sẽ tạo áp lực mạnh mẽ hơn cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Đại diện một ngân hàng cổ phần cũng thừa nhận việc áp dụng Thông tư 09 đã đẩy nợ xấu ngân hàng tăng lên. Trước đây, với Quyết định 780 về phân loại nợ đã không lường trước được quá trình cơ cấu lại nợ của các TCTD, nên nhiều khách hàng được ngân hàng cơ cấu lại vài lần. Nay với Thông tư 09 thì chỉ được phép cơ cấu nợ 1 lần. 

Nợ xấu: Tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát - Ảnh 1

Riêng về nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng tăng mạnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng ngoài 2 nguyên nhân đề cập ở trên, còn do việc xử lý nhóm nợ này gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là khâu phát mại tài sản với thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian và thị trường bất động sản chưa phục hồi. 

“Các ngân hàng thương mại đang tích cực xử lý nợ xấu nói chung, nợ xấu nhóm 5 nói riêng bằng việc trích lập dự phòng rủi ro và các biện pháp quyết liệt khác.Vì vậy, sẽ hạn chế tác động của việc tăng nợ xấu nhóm 5 đến hoạt động ngân hàng”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Ngân hàng đối mặt

Tuy vậy, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho rằng nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát, bởi các ngân hàng vẫn đang gia tăng trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2014, số dư dự phòng còn lại của toàn hệ thống đạt mức 77.300 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013. Nếu toàn bộ số dự phòng này được sử dụng để xử lý nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ giảm xuống còn khoảng 2,2%. 

Thực tế, Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cũng cho thấy trích lập dự phòng rủi ro chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Ví như, ACB với gần 355 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước; ABBank là 107,64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 11,54 tỷ đồng; Vietcombank là 2.400 tỷ đồng; VIB là 447 tỷ đồng…

Tuy nhiên, câu chuyện nợ xấu sẽ không được giải quyết nếu chỉ mình hệ thống ngân hàng xử lý, mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và giải pháp khác, ví như VAMC.

Thời gian qua, không ít ý kiến về việc nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn tăng nhanh, trong khi VAMC lại không có nợ mà mua. Rõ ràng, cơ chế hoạt động của VAMC đang có nhiều vướng mắc.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xử lý nợ xấu cần có thêm công cụ VAMC. Tuy nhiên, để công cụ này phát huy tác dụng, cơ quan quản lý cần phải tăng quyền lực đủ mạnh cho VAMC để công cụ này đủ khả năng xử lý những khoản nợ có rắc rối về mặt pháp lý. 

Hơn nữa, VAMC cần phải có đủ quyền lực để xác lập quyền sử dụng và quyền sở hữu cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi mua lại nợ và tài sản bảo đảm của VAMC.

“Đây là vấn đề quan trọng, bởi hầu hết các khoản nợ xấu của các ngân hàng đều có liên quan mật thiết tới thị trường bất động sản. Hơn nữa, nguyên nhân khiến tốc độ mua nợ xấu của VAMC thời gian qua chậm lại là do những khoản nợ xấu hiện nay đều có những vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo (hiện đang tồn tại rất lớn ở các ngân hàng thương mại). Bởi vậy, cần cho VAMC một cái quyền đủ để có thể hoàn tất những thủ tục cần thiết nhằm thiếp lập quyền chủ đối với những tài sản mà họ đã mua để có thể bán lại cho nhà đầu tư trong và ngoài nước”, TS. Nghĩa bình luận.

Về câu chuyện này, NHNN cho biết cũng đang nỗ lực. Cụ thể, cơ quan này sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ - CP nhằm tạo môi trường thông thoáng. Đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.