Nợ xấu và chuyện "sau họa có phúc"

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái "hoạ" của khủng hoảng đều có cái "phúc" cho những người biết nắm được thời cơ.

Nợ xấu và chuyện "sau họa có phúc"
Sau cái "hoạ" của khủng hoảng đều có cái "phúc" cho những người biết nắm được thời cơ. Nguồn: internet
PV: Nợ xấu hiện vẫn là rào cản lớn trong phát triển tín dụng. Theo ông, làm thế nào để có thể giải quyết được điểm nghẽn này nhằm khơi thông dòng vốn?

TS. Trần Du Lịch: Hệ thống ngân hàng thương mại có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp (DN), song nhìn chung, nền kinh tế vẫn rơi vào tình trạng “ngân hàng thừa tiền, nhưng DN thiếu vốn”. Vì thế, tôi cho rằng, vào lúc này, lãi suất không còn là vấn đề duy nhất đối với DN trong việc quyết định vay vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư mới, mà quan trọng hơn là tập trung giải quyết nợ xấu.

Tuy nhiên, để xử lý được nợ xấu, thì một mình Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không thể giải quyết được, mà đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ phía các ngân hàng.

VAMC chủ yếu mua lại nợ xấu bất động sản để xử lý, làm sạch tài khoản ngân hàng; giúp cho DN đi vay có điều kiện để vay, không bị nợ xấu làm rào cản.

Song điều quan trọng đó, chính là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ như thế nào.

Theo ông, liệu có đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đề ra cho năm nay?

Mặt bằng lãi suất đã giảm phù hợp với tình hình lạm phát, song cũng không dễ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu trên, thì từ nay đến cuối năm, mỗi tháng, hệ thống ngân hàng phải đạt được mức tăng trưởng tín dụng trên 1,3%, nhưng vấn đề đặt ra là, làm thế nào kích tổng cầu, giải quyết nợ xấu thì tín dụng mới có thể tăng.

Vậy còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới không, thưa ông?

Lãi suất có thể giảm thêm, nhưng rất khó giảm sâu so với mức hiện nay. Cho dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm 2013 tăng 3,53%, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập”, khi nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết.

Chính vì tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắt nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền - thiếu vốn còn kéo dài; khả năng tiếp cận vốn của DN còn khó khăn.

Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm là 7%, thì việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi có kỳ hạn không còn nhiều dư địa; lãi suất cho vay vẫn khá cao, nhất là lãi suất vay trung - dài hạn, nên sẽ không kích thích được các DN đang có thị trường mở rộng đầu tư....

Đồng thời, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản vẫn chưa thể mang lại kết quả, nên việc xử lý nợ xấu sẽ khó khăn.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế trong các tháng cuối năm 2013?

Cho dù 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế tăng trưởng chậm (GDP tăng 4,9%), nhưng dự báo GDP cả năm sẽ tăng 5,5% và CPI trong khoảng 6-7%. Trong bối cảnh như vậy, bên cạnh những thách thức, vẫn có cơ hội để tái cơ cấu DN, lành mạnh hóa thị trường hướng đến mục tiêu phát triển trung-dài hạn.

Kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Có thể nói, đến đầu tháng 8/2013, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục và dần thoái khỏi tình trạng trì trệ. Thị trường tài chính, bất động sản tuy chưa thực sự khởi sắc, nhưng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, chắc chắn trong thời gian tới, nhất là sang năm 2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường, trong đó có cả thị trường lao động. Song đây lại chính là cơ hội để các DN phát triển nguồn nhân lực, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.