Nói đã xử lý được nợ xấu là hơi vội
(Tài chính) Đã có 106.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý nhưng về bản chất chỉ là hạch toán, không phải xử lý bằng nguồn tài chính thực để có tác động vào nền kinh tế
Kinh tế đã thoát đáy
Ông Đặng Ngọc Tú, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách NFSC, nhấn mạnh các số liệu để chứng minh kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ quý III/2013. Đó là hoạt động sản xuất đã có dấu hiệu cải thiện; lạm phát danh nghĩa chỉ còn 5,1%; kinh tế vĩ mô ổn định thể hiện ở việc duy trì tỉ giá ổn định, tình trạng đô la hóa, vàng hóa giảm, lãi suất giảm, lòng tin của nhà đầu tư được củng cố, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng…
Đối với thị trường tài chính, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC, cho biết tổng tài sản của hệ thống NH năm 2013 tăng 15%, chất lượng tài sản được cải thiện.
Trước các số liệu khác nhau về nợ xấu (thậm chí cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng nợ xấu Việt Nam chiếm 15% tổng dư nợ), NFSC khẳng định số liệu tính toán của NFSC cũng cho kết quả tương tự như NHNN là nợ xấu của Việt Nam khoảng 9%-10% tổng dư nợ tín dụng và đã xử lý được khoảng 106.000 tỉ đồng nợ xấu, gồm 66.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng của các NH và Công ty Quản lý tài sản VAMC mua 40.000 tỉ đồng. “Nợ xấu tuy còn cao nhưng đã kiểm soát được” - ông Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các ý kiến tại hội thảo chưa đồng tình với quan điểm này. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng VAMC có công lớn mua một số nợ xấu nhưng số này đi đâu, giải quyết như thế nào, cải thiện ra sao mới là quan trọng. Nếu không sự thay đổi về con số nợ xấu chỉ là sự chuyển dịch có tính chất bút toán. Ông Lê Đức Thúy cũng cho rằng nợ xấu của Việt Nam chưa nghiêm trọng đến mức không thể xử lý được nhưng cần phải có đột phá. Thế nhưng đến nay xử lý nợ xấu chỉ dựa vào nỗ lực của các NH và một vài biện pháp thì không hiệu quả.
Cùng mối băn khoăn này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận xét: “Tôi thấy xử lý nợ xấu về bản chất là hạch toán chứ không phải xử lý bằng nguồn tài chính thực để có tác động thực vào nền kinh tế”.
Vốn chảy đi đâu?
Theo báo cáo của NFSC, tín dụng năm 2013 tăng trưởng nhanh ở mức 12,5% so với mức 9,8% năm 2012 trong khi lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 20% (năm 2011) xuống khoảng 12% (năm 2013). Đây là mức tăng trưởng tín dụng khá tốt. Nhìn vào con số cho vay/huy động (LDR) giảm mạnh từ mức 98% năm 2011 còn 85,4% năm 2013, dư luận đang lo ngại vốn NH đóng băng vì huy động nhiều nhưng cho vay ít. Ông Trương Văn Phước giải thích tỉ lệ LDR giảm mạnh đang giúp cho thanh khoản của hệ thống NH tăng lên. Vì trước đây tỉ lệ này rất cao, sau đó Ngân hàng Nhà nước “thắt” lại bằng quy định áp dụng tỉ lệ dư nợ trên vốn huy động là 80% nên con số này giảm dần.
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng tín dụng tăng là xu hướng tốt nhưng cần phân tích rõ cơ cấu tín dụng để xem hiệu quả dòng vốn đến đâu. Tín dụng tăng một phần do NH đổ tiền mua trái phiếu. Năm 2013, giá trị phát hành trái phiếu đạt 195.000 tỉ đồng, giá trị giao dịch thứ cấp đạt 405.000 tỉ đồng, tăng tương ứng 12% và 91% so với năm 2012.
Nếu nhìn ở góc độ kinh doanh, NH cho Chính phủ vay cũng giống như cho vay các đối tượng khác nhưng nhìn ở góc độ nền kinh tế thì khác. Vì tiền cho Chính phủ vay sẽ được đưa vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cần phải xem việc sử dụng vốn có hiệu quả không. Nếu sử dụng vốn kém hiệu quả, chèn lấn khu vực tư nhân thì rõ ràng tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế bị thu hẹp. Khi đó, chỉ có thể giải quyết được vấn đề trước mắt nhưng không ổn cho trung và dài hạn. “Tôi cho rằng tín dụng chưa ra được có thể vì nghẽn ngay trong dòng, chỗ có khả năng hấp thụ thì vốn không đến nơi. Rõ ràng thị trường phân bổ tín dụng có vấn đề nên tín hiệu thị trường méo mó” - TS. Nguyễn Đình Cung băn khoăn.
TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC, cho rằng điểm nghẽn tín dụng hiện nay vẫn là do khả năng hấp thụ vốn của khu vực DN thấp, hàng loạt DN tiếp tục ngừng hoạt động trong năm 2013, số khác chỉ hoạt động bằng 50% công suất. Về nhận định xu hướng vốn đang tập trung vào DNNN, cơ quan này đã có một khảo sát tại 10 tập đoàn, tổng công ty nhưng kết quả thu thập được không phản ánh xu hướng này.
Công bố báo cáo thường niên
Bắt đầu từ năm 2014, NFSC thực hiện công bố báo cáo thường niên tổng quan về thị trường tài chính, với các chỉ tiêu an toàn tài chính vĩ mô để làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách cũng như công bố thông tin cho công luận. Báo cáo này nhận định khả năng tăng trưởng GDP 5,85% là khả quan trong khi lạm phát danh nghĩa khoảng 5%.
“Tôi thực sự băn khoăn về kết luận dòng vốn đã khơi thông. Dù bắt đầu có dòng chảy nhưng khó tạo cú hích cho năm 2014 vì dòng chảy méo mó, phải nghiên cứu rất kỹ xử lý tồn kho, nợ xấu thế nào cho hiệu quả” - ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói.