Nội dung sửa đổi của Luật Kiểm toán độc lập

Hà Thị Phương Thanh, Đào Thị Thu Hà, Mai Phương Nhi, Phạm Cao Kỳ Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính)

Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính” trong đó có nội dung sửa đổi về Luật Kiểm toán độc lập. Bài viết này phân tích những nội dung sửa đổi của Luật Kiểm toán độc lập.

Đặt vấn đề

Luật Kiểm toán độc lập được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, bao gồm 8 chương, 64 điều. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực kiểm toán độc lập (KTĐL), Luật Kiểm toán độc lập đã góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực KTĐL phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh sự nghiệp công hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về cơ bản, Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn đã tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, góp phần thực hiện thành công các cam kết hội nhập trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và thị trường tài chính. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về kiểm toán trong thời gian qua đã từng bước góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính của Việt Nam.

Qua thực tiễn 12 năm thi hành, Luật Kiểm toán độc lập đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc triển khai cơ chế, chính sách, thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý và điều hành của Chính phủ, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là công khai minh bạch thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết. Cùng với đó, vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kiểm toán từng bước được nâng cao; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kiểm toán được thực hiện phù hợp, hiệu quả; Giúp các đơn vị xác định giá trị vốn đầu tư đúng đắn, góp phần loại bỏ các chi phí bất hợp lý, góp phần làm lành mạnh hoạt động quản ký đầu tư xây dựng cơ bản; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về kiểm toán thúc đẩy tiến trình mở cửa, hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến lĩnh vực kiểm toán cần được thể chế hóa. Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời qua thực tế triển khai khung pháp lý về KTĐL đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tế, cũng như để đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, Luật Kiểm toán độc lập đã được Quốc Hội thông qua tại dự thảo Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính” trong đó có nội dung sửa đổi về Luật Kiểm toán độc lập.

Nội dung sửa đổi của Luật Kiểm toán độc lập

Một là, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế.

Quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập: Qua rà soát đối với việc quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập, thì trách nhiệm của Bộ Tài chính về hoạt động KTĐL còn chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn quy định về đình chỉ hành nghề kiểm toán và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề của kiểm toán viên (KTV).

Theo đó, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Luật đã bổ sung thêm các biện pháp quản lý nhà nước về KTĐL là đình chỉ hành nghề kiểm toán và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề đối với KTV) để đảm bảo bao quát, xử lý đầy đủ các hành vi vi phạm phát sinh trong thực tế, để Luật hóa đầy đủ các chế tài xử lý đối với KTV, đồng thời cũng nhằm đồng bộ với các quy định xử lý đối với doanh nghiệp kiểm toán.

Về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập: Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, KTĐL quy định về việc xử lý vi phạm trong lĩnh kiểm toán độc lập, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm hành chính và các hành vi thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. Có thể đánh giá quy định về xử phạt đối với lĩnh vực KTĐL đã bao quát được các vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tế triển khai đã xử lý các trường hợp vi phạm, từ đó chấn chỉnh hoạt động KTĐL đi vào nề nếp. Việc xử lý phạt tiền đối với các hành vi vi phạm này cũng tương đồng với mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai đã phát sinh một số trường hợp không thực hiện được do hết thời hiệu xử phạt, các trường hợp này khi phát hiện hành vi vi phạm thì đã hết thời hiệu xử phạt, vì vậy không xử phạt được. Một số trường hợp quy định chưa phù hợp với bản chất của hành vi vi phạm cũng như thông lệ quốc tế; mức xử phạt còn thấp chưa đủ tính răn đe. Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm có xu hướng không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn.

Qua công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, một số hành vi vi phạm của các DNKT, kiểm toán viên chưa được xử lý thỏa đáng theo mức xử phạt, thời hiệu xử phạt theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hiệu xử phạt và mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập. Cụ thể, về thời hiệu xử phạt được sửa đổi từ 1 năm lên 5 năm; về mức phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng (từ 50 triệu đồng lên 1 tỷ đồng) đối với cá nhân và 2 tỷ đồng (từ 100 triệu đồng lên 2 tỷ đồng) đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa chỉ áp dụng đối với một số hành vi doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, gây ra các hậu quả nghiêm trọng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính răn đe; giả mạo hồ sơ kiểm toán; hành nghề với tư cách cá nhân hay thông đồng móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch thông tin, số liệu của báo cáo tài chính. Mức phạt tiền tối đa và thời hiệu xử phạt mới này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hai là, nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế.

Về nhóm chính sách này, Luật đã sửa đổi theo hướng tách bạch rõ trường hợp những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán và những người phải ngừng hành nghề kiểm toán để đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan và thực tế triển khai thực hiện; sửa đổi các quy định về luân chuyển KTV hành nghề ký báo cáo kiểm toán và quy định về duy trì số lượng KTV hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, cụ thể:

Về những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán, không được tiếp tục hành nghề kiểm toán: Quy định về những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán có một số nội dung không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hoặc chưa được hiểu rõ ràng khi áp dụng trong thực tiễn hoặc chưa bao quát được hết các hành vi vi phạm sẽ không được hành nghề kiểm toán. Do đó, Luật sửa đổi quy định này làm rõ hơn phạm vi, minh bạch hơn về các trường hợp KTV không được đăng ký hành nghề kiểm toán, không được tiếp tục hành nghề kiểm toán để phù hợp với các chức danh, vị trí được quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là các nội dung cần thiết phải sửa, nhất là gần đây phát sinh các sai phạm của KTV, một số trường hợp còn được xét xử bằng các bản án hình sự.

Về nghĩa vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam: Thực tế hiện nay có trường hợp doanh nghiệp kiểm toán chỉ duy trì số lượng KTV hành nghề là 5 người, bao gồm ở cả trụ sở chính và chi nhánh, dẫn đến tình trạng số lượng kiểm toán viên thực tế hành nghề tại trụ sở chính hoặc ở chi nhánh của một số DNKT đều dưới 5 người, dẫn đến việc không đảm bảo chất lượng dịch vụ kiểm toán, ảnh hưởng đến tính độc lập và số lượng KTV hành nghề ký báo cáo kiểm toán.

Đối với nội dung này Luật sửa đổi quy định rõ hơn trường hợp doanh nghiệp kiểm toán có chi nhánh hay không có chi nhánh thì vẫn phải đảm bảo duy trì có tối thiểu 5 KTV đăng ký hành nghề tại trụ sở chính của công ty, không bao gồm các KTV đăng ký hành nghề tại chi nhánh.

Việc quy định rõ hơn nội dung này không làm thay đổi số lượng KTV phải có tối thiểu là 5 KTV đăng ký hành nghề của doanh nghiệp kiểm toán khi đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật KTĐL hiện hành, thực chất là để đảm bảo doanh nghiệp kiểm toán không phân công KTV hành nghề tại các chi nhánh khi mở thêm chi nhánh dẫn đến làm giảm chất lượng dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác mà doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh cung cấp.

Ba là, quy định về luân chuyển KTV hành nghề ký báo cáo kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.

Luật sửa đổi bổ sung làm rõ hơn nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam khi bố trí KTV ký báo cáo kiểm toán cho một khách hàng/đơn vị được kiểm toán cần đảm bảo tính độc lập và phải thực hiện luân chuyển kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán. Tương tự như nghĩa vụ đối với doanh nghiệp kiểm toán thì khách hàng/đơn vị được kiểm toán cũng được quyền yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán luân chuyển KTV hành nghề ký báo cáo kiểm toán để đảm bảo tính độc lập.

Theo đó, Luật sửa đổi theo hướng các nghĩa vụ về đảm bảo tính độc lập, đặc biệt là quy định về việc luân chuyển KTV hành nghề ký báo cáo kiểm toán, cần quy định cụ thể về thời gian phải luân chuyển ở văn bản Luật để đảm bảo tính rõ ràng thống nhất trong quá trình thực hiện, theo dõi và xử lý vi phạm. Cụ thể, doanh nghiệp kiểm toán không được bố trí kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị được kiểm toán quá 05 năm liên tục và giao Bộ Tài chính quy định về thời gian ngừng để kiểm toán viên hành nghề tiếp tục ký báo cáo kiểm toán cho cùng một đơn vị được kiểm toán.

Bốn là, mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.

Tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030, đã đưa ra mục tiêu cụ thể đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán là cần: “Phát triển thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán. Định hướng quy mô, số lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán – kiểm toán phù hợp với yêu cầu thực tế thông qua việc hoàn thiện cơ chế và điều kiện hành nghề. Xác định đối tượng được kiểm toán thiết thực hiệu quả, đến năm 2025 đảm bảo 100% doanh nghiệp, đơn vị có quy mô lớn được kiểm toán báo cáo tài chính, không phân biệt loại hình hoạt động, hình thức sở hữu”.

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Luật bổ sung nhóm đối tượng là các doanh nghiệp có quy mô lớn phải kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030. Theo đó, các doanh nghiệp có giao dịch phức tạp, số lượng lao động lớn, doanh thu hoạt động cao, tổng tài sản lớn; có nhiều bên liên quan, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng cần được thực hiện kiểm toán BCTC hàng năm nhằm minh bạch thông tin tài chính, phục vụ công tác quản lý và ra quyết định của các cơ quan và các nhà đầu tư, góp vốn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2024), Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia đã được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 29/11/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025;
  2. Quốc hội (2024), Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH15;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2024