Nông dân Sóc Trăng chuẩn bị nông sản phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025


Thời gian sắp đến tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nhiều nông dân tại các vùng chuyên canh trồng màu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang tất bật chăm sóc rẫy màu của gia đình để chuẩn bị đủ lượng rau màu bán cho thị trường Tết. Theo dự đoán của nông dân, Tết này chắc chắn giá rau màu sẽ tốt hơn so thời điểm tết Nguyên đán năm trước, bởi trong năm giá màu các loại đã tăng cao.

Nông dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), bên rẫy hành lá trồng để bán dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, năm 2025. Ảnh: Thúy Liễu
Nông dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), bên rẫy hành lá trồng để bán dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, năm 2025. Ảnh: Thúy Liễu

Ông Trần Dương Cầm, ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã có kinh nghiệm hơn 15 năm trồng màu. Bình quân mỗi năm ông trồng 4 vụ, chủ yếu là rau cải các loại, hành lá, cải bông, cải rổ… Riêng dịp tết Nguyên đán, ông thường trồng bông cải. Ông Cầm cho hay: "Hiện tại, để cung ứng màu cho thị trường tết Nguyên đán sắp đến, tôi đã trồng 2 công cải bông, cải đã được 30 ngày tuổi. Dự định thu hoạch vào ngày 25 Tết, ước sản lượng 3 tấn, nếu giá bán từ 7.000 - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 14 triệu đồng/vụ màu Tết".

Vụ rau màu Tết năm nay, ông Liên Minh Hùng, ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm có phần lo lắng trước thời tiết bất thường như hiện nay. "Với diện tích 4 công đất, tôi đã xuống giống bông cải, hành lá, cải rổ. Số lượng màu trồng như trên nếu thuận lợi, sản lượng thu về ước gần 6 tấn, giá bán tùy loại từ 8.000 - 10.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí lợi nhuận hơn 25 triệu đồng. Tuy nhiên, với thời tiết có mưa khá to như mấy ngày vừa qua, tôi thấy lo lắng cho rẫy màu của gia đình, bởi các loại màu trên không thích hợp cho mùa mưa", ông Hùng chia sẻ.

Xuôi về Thạnh Trị, chúng tôi ghé tham quan vườn dưa lưới của anh Nguyễn Hoàng Duy, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Dẫn khách thăm 4 nhà màng trồng dưa lưới (hơn 4.000m2), anh Duy cho hay có 2 nhà màng (hơn 2.000m2) dưa đang cho trái. Để chuẩn bị nguồn dưa lưới bán trong dịp tết Nguyên đán năm 2025, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, anh Duy đã xuống giống dưa. Với hơn 2.000m2 trồng dưa lưới, ước năng suất thu về 10 tấn trái và 900 cặp dưa lưới khắc chữ. Giá dưa lưới đã nhận cọc thương lái 45.000 - 50.000 đồng/kg; còn dưa lưới khắc chữ giá bán 420.000 - 450.000 đồng/cặp. Tính toán trong vụ dưa lưới Tết, trừ hết các khoản chi phí, anh Duy có lợi nhuận khoảng 170 triệu đồng.

Trở về thành phố Sóc Trăng, chúng tôi đến vườn rau màu thủy canh gần 2.000m2 của chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Chị Nhung trồng nhiều loại rau: cải xanh, cải ngọt, bắp cải, cải thìa, củ cải trắng… giống như “siêu thị rau” thu nhỏ cung ứng cho người tiêu dùng hằng ngày thông qua Zalo, Facebook và các điểm trường học tại thành phố Sóc Trăng. So với cây rau trồng truyền thống, thì rau thủy canh có thời gian thu hoạch ngắn hơn từ 10 - 15 ngày (tùy loại); năng suất cao hơn khoảng 30%.

Để chuẩn bị lượng rau màu bán cho dịp Tết, chị Nhung đã canh thời gian xuống giống và thu hoạch cho phù hợp. Vụ này, chị trồng các loại màu như: bắp cải, củ cải trắng, hành lá, cải các loại, rau cần tây..., ước tổng số màu thu hoạch hơn 200kg/ngày, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng sử dụng rau thủy canh.

“Diện tích màu toàn tỉnh hơn 48.700ha, tập trung hầu hết ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số địa phương canh tác màu chuyên canh tập trung. Sản lượng màu tại các địa phương đảm bảo cung ứng tốt cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và cung ứng cho một số tỉnh bạn. Tuy nhiên, trong dịp tết Nguyên đán hằng năm thì sức mua tăng cao, do đó diện tích màu Tết tăng từ 10 - 20% so với những ngày thường. Để rau màu Tết năm 2025 có năng suất tốt, khuyến cáo nông dân canh tác theo quy trình VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng hữu cơ. Quan tâm đến yếu tố thời tiết, khi có mưa cần phải tiêu thoát nước nhanh cho các ruộng rau màu; bón phân cân đối và thường xuyên chăm sóc và thăm rẫy màu để sớm phát hiện dịch bệnh, sâu hại tấn công nhằm phòng trị kịp thời”, đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thông tin.

Theo Thúy Liễu/ Báo Sóc Trăng