Nông, lâm, thủy sản xuất khẩu suy giảm hơn 500 triệu USD
(Tài chính) Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 diễn ra ngày 1/4/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, căn cứ vào số liệu thống kê trong quý I/2015, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (gạo, cà phê, cao su) của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường suy giảm với mức độ trên dưới 30%. Sự suy giảm này làm mất khoảng 500 triệu USD.
Hơn nữa, giá cả của các mặt hàng như nhiên liệu, khoáng sản có sự sụt giảm đáng kể. Ví dụ dầu thô suy giảm rất lớn cuối 2015, đầu 2015 dẫn đến mặc dù lượng xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản tăng nhưng không bù nổi phần giá suy giảm.
Phân tích rõ hơn về các mặt hàng như gạo, cà phê, cao su, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, thị trường Trung Quốc trong quý I có những diễn biến tương đối bất thường, việc nhập khẩu gạo và nông sản bị suy giảm.
"Qua phân tích đánh giá cho thấy trong chính sách điều hành của Trung Quốc có thay đổi. Ví dụ việc cấp hạn ngạch cho xuất khẩu gạo nhỏ giọt nên xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã giảm đến 30%", Thứ trưởng thông tin.
Ngoài ra, một số thị trường truyền thống ở khu vực ASEAN như: Philippines, Indonesia, Malaysia lượng hàng nhập khẩu không có những hợp đồng lớn cho quý I/2015. Điều này khác với những năm trước, Việt Nam có những hợp đồng lớn của năm trước chuyển sang quý I của năm tiếp theo. Vì vậy lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu giảm rất lớn.
Một số mặt hàng khác, ví dụ thủy sản, thiệt hại rất lớn do Mỹ tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức cao gây khó khăn cho DN. Một số vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng USD có xu hướng mạnh lên so với một số đồng tiền khác như Euro làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường. Ngoài những nguyên nhân kể trên, cũng phải thấy rằng, năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt ngưỡng cao của những năm 2013-2014, vì vậy, tăng trưởng những năm tiếp theo sẽ khó khăn hơn.
Như vậy, trong quý I/2015, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 6,9% trong khi kế hoạch của đăng ký với Quốc hội của chúng ta là 10%; đồng thời như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã thông báo là nhập siêu trở lại với mức hơn 5%.
“Tình hình này chúng tôi cũng không cho là bất ngờ bởi trong dự báo đánh giá, chúng ta dự kiến quý I/2015 sẽ có những khó khăn trong công tác thị trường”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Phân tích làm rõ thêm về các nguyên nhân khác tác động đến thị trường nông sản tiếp tục gặp khó khăn, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, do cung - cầu trên thế giới áp lực lớn đến chúng ta khi các nước xuất khẩu khác như Thái Lan với kho dự trữ gạo rất lớn đang tìm cách tiêu thụ và đẩy ra thị trường thế giới. Điều này làm giá trên thị trường thế giới giảm sâu, nhất là những mặt hàng như gạo của Việt Nam.
Nguyên nhân nữa là do những khó khăn biến động tỷ giá và những ảnh hưởng khác mà Việt Nam cũng đã dự báo. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội là phải tìm cách thúc đẩy xuất khẩu, phát triển bền vững thông qua các biện pháp mở rộng tìm kiếm thị trường mới.
Trong năm 2015, hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang được tiếp tục triển khai và đưa vào cuộc sống. Chúng ta có Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, đàm phán TPP, hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh Thuế quan đang được triển khai tích cực... Hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác với Hàn Quốc, Chile đã được triển khai, có hiệu lực, đang mở ra cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Việc xây dựng văn bản hướng dẫn các khuôn khổ này, thể chế hóa nó để phục vụ DN nhằm thúc đẩy cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam là những nội dung cơ bản trong năm 2015.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục ổn định vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu cũng là những nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, Việt Nam phải tích cực tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng tới chất lượng, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, gắn kết chặt chẽ nhu cầu của các ngành hàng, của DN; hướng thị trường trọng tâm, trọng điểm có nhu cầu lớn, tiềm năng để tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm, DN của Việt Nam để tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ cho các DN đặc biệt là DN sản xuất hàng xuất khẩu và từng bước cùng với các DN tạo cơ chế thực hiện các hoạt động liên kết thúc đẩy sản xuất. Ví dụ như: trong các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản để tạo thuận lợi, tạo thành chuỗi giá trị, từng bước có điều thuận lợi hơn trong xâm nhập thị trường và cạnh tranh thuận lợi hơn trên thị trường quốc tế.
Một điểm quan trọng khác là tiếp tục tăng cường chỉ đạo cho các cơ quan đại diện, cơ quan xúc tiến thương mại để cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu phát triển thị trường, đồng thời giải quyết có hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế bảo vệ lợi ích của DN Việt Nam trên cơ sở các cam kết hội nhập quốc tế và công cụ của WTO./.