Nông nghiệp Bình Thuận phát triển ứng dụng khoa học công nghệ

Trang Nguyễn

Những năm qua, Bình Thuận tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Nhều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ đã phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cho người dân.

Khu nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao chuyên trồng nho và các sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn ở ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTXVN
Khu nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao chuyên trồng nho và các sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn ở ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTXVN

Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định

Theo Chi Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận (nay là Thống kê tỉnh Lâm Đồng), 6 tháng đầu năm 2025, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Bình Thuận phát triển có nhiều thuận lợi. Nguồn nước tưới tương đối thuận lợi cho trồng trọt, không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa giống lúa tiếp tục được quan tâm. Nhờ đó, sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định.

Trong sản xuất, tỉnh chú trọng chuyển đổi cây trồng cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có năng suất, chất lượng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đơn cử, vụ đông xuân 2025, tỉnh Bình Thuận đã chuyển đổi 3.227 ha đất lúa kém hiệu quả chưa chủ động được nguồn nước sang trồng các cây ngắn ngày khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng 1.330 ha cây ngô, 427 ha cây lạc, 822 ha cây rau các loại, 437 ha cây đậu các loại 205 ha trồng dưa hấu và 6 ha các loại cây khác.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung thu hoạch và chăm sóc diện tích cây lâu năm hiện có, chuyển đổi một phần diện tích trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Tổng diện tích trồng cây lâu năm đạt 109.790 ha, tăng 1,65% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Diện tích cây công nghiệp 66.781,1 ha, tăng 0,64%; cây ăn quả 42.383,9 ha, tăng 3,30%; các loại cây lâu năm khác 624,9 ha, tăng 0,44%.

Thông qua chuyển đổi diện tích, cây trồng, sản lượng một số cây trồng chính đang đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Cây thanh long sản lượng đạt 326.000 tấn, tăng 2,19% so với cùng kỳ năm 2024; cây sầu riêng đạt 14.660 tấn, tăng 22,17%; cây cao su đạt 16.000 tấn, tăng 3,23%; cây điều đạt 13.000 tấn, tăng 2,16%...

Về hoạt động chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu khởi sắc cả về quy mô lẫn hiệu quả kinh tế. Giá thịt hơi các loại gia súc, gia cầm duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2024. Hoạt động chăn nuôi chuyển đổi theo xu hướng sang mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất.

Sản xuất trồng rừng lũy kế 6 tháng năm 2025 đạt 940 ha, tăng 21,29% so với cùng kỳ năm 2024. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp 70.600 ha, tăng 19,81% so với cùng kỳ năm 2024. Các đơn vị chủ rừng tiếp tục tập trung gieo ươm, chăm sóc cây giống, trồng cây phân tán theo kế hoạch. Đến nay, gieo ươm được 2,7 triệu cây giống các loại, tăng 4,80% so với cùng kỳ năm 2024. Cây giống chủ yếu là keo lai, keo lá liềm, keo lá tràm, bạch đàn.

Về thủy sản, 6 tháng đầu năm 2025 diện tích nuôi trồng đạt 1.272 ha, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng nuôi trồng đạt 4.200 tấn, tăng 4,69%. Sản lượng khai thác lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 đạt 116.274,6 tấn, tăng 3,57%.

Đặc biệt, sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh thuận lợi do tiêu thụ ổn định. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ đạt 11,7 tỷ con, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2024.

Ứng dụng nhiều mô hình khoa học công nghệ và khuyến nông đem lại hiệu quả

Xác định vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và khuyến nông trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đem lại giá trị cao cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Bình Thuận tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông trong phát triển nông nghiệp.

Theo đó, trong trồng trọt, Bình Thuận tiếp tục nghiệm thu các mô hình khuyến nông năm 2024 chuyển sang, với nhiều mô hình mới như Mô hình trồng thâm canh cây vú sữa theo hướng hữu cơ với quy mô 1,5 ha; Mô hình trồng thâm canh cây chanh dây với quy mô 0,5 ha...

Trong khai thác, nuôi trồng thủy sản việc ứng dụng khoa học công nghệ được thực hiện với Mô hình nuôi cá bè trắng trên biển bằng lồng tròn HDPE, quy mô 530m3. Kết quả, qua 6 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt 250g/cont; Mô hình nuôi cá lăng nha lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm  với quy mô 680 mtại xã Tân Hà (huyện Đức Linh), 190mtại xã Trà Tân (huyện Đức Linh) và 150m3 tại xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc)...