Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam: Khó khăn và triển vọng
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Bài viết đánh giá những khó khăn và triển vọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Giới thiệu
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên; diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đòi hỏi phải nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của an ninh lương thực và chất lượng nông sản ngày càng cao. Vì thế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Vậy thế nào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao? Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam gặp phải những khó khăn gì? Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có triển vọng để phát triển ở Việt Nam không? Đó là những vấn đề đặt ra mà bài viết quan tâm giải đáp.
Quan niệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thuật ngữ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) xuất hiện từ tháng 02/1999 tại Ấn Độ với quan niệm: NNCNC bao gồm tất cả các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, ít phụ thuộc vào môi trường, tập trung vốn cao và có khả năng làm gia tăng năng suất và chất lượng nông sản (Hoàng Anh, 2011).
Theo Nguyễn Thơ (2013), NNCNC là nông nghiệp có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, như: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tin học, công nghệ tự động… Ngoài ra, còn thể hiện ở việc quản lý và nhân lực.
Trong Quyết định số 176/QĐ-TTg, ngày 29/1/2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: là nền nông nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Như vậy, có thể hiểu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững
Thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam
Kết quả đạt được
Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được ban hành từ năm 2010 đã góp phần thúc đẩy phát triển và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Ở Việt Nam, đã xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, với nhiều hình thức đã dạng, từ hộ gia đình đến doanh nghiệp, hình thành những khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào gia tăng giá trị nông sản, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển. Cụ thể là:
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đến năm 2022, cả nước có 34 khu NNCNC được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, có 6 khu NNCNC quy mô lớn với diện tích trên 400 ha tại: TP. Hà Nội và các tỉnh, như: Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang, Bình Dương. Nhiều địa phương khác cũng đang thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao[1].
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Theo Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 6/2021 (cuộc điều tra mới nhất), thì tại thời điểm 31/12/2019, cả nước có 7.471 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 94,25% so với ngày 31/12/2015, bình quân mỗi năm tăng 906,3 doanh nghiệp. Năm 2019, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 249,24 nghìn lao động thường xuyên. Trong đó, các doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng 193,48 nghìn lao động, chiếm 77,63% tổng số lao động thường xuyên của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp lâm nghiệp sử dụng 15,88 nghìn lao động, chiếm 6,37%; các doanh nghiệp thủy sản sử dụng 39,88 nghìn lao động, chiếm 16%. Tổng doanh thu thuần năm 2019 theo giá hiện hành của các doanh nghiệp đạt 168,50 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 22,55 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, sự nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đến nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được các địa phương công nhận; có 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các tiến bộ về khoa học - công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản giảm đáng kể, trong đó tổn thất của lúa gạo đã giảm xuống dưới 10% (Song Hà, 2022).
- Về hợp tác xã NNCNC: Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2020, cả nước có tổng số 17.000 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 1.700 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (chiếm 10%). Ba địa phương có số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn nhất cả nước là: Lâm Đồng (36 xã), Long An (13 xã), Hà Nội với 13 hợp tác xã nông nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí sản xuất. Quan trọng hơn là tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội.
Một số khó khăn trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Khó khăn về nguồn vốn đầu tư
Đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển NNCNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động… để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình NNCNC, cần khoảng 140-150 tỷ đồng (gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng.
Song thực tế ở nước ta hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55%-60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao. Hiện, cả nước chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm dưới 65%. Mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam luôn thấp. Tổng số dự án lũy kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp 2009-2021 là 1.984 dự án, chiếm 5,7% trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ trọng số dự án vào nông nghiệp chiếm 11,4%, tỷ trọng vốn đăng ký vào nông nghiệp chiếm 15,6% (tính đến ngày 20/12/2021) (Vũ Quyền, 2022). Thiếu vốn đầu tư đang là một rào cản không nhỏ đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nước ta.
Khó khăn về nguồn nhân lực
Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động.
Về đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 34 cơ sở đào tạo (1 học viện, 3 trường đại học, 2 trường cán bộ quản lý, 28 trường cao đẳng) và 8 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học. Tính đến năm 2020, không tính đến đào tạo các ngành nghề trình độ sơ cấp, cả nước có 373 ngành nghề đào tạo, gồm: sau đại học (tiến sĩ và thạc sĩ): 38; đại học: 88 (trong đó, nông nghiệp 31 ngành, chiếm 35,2%); cao đẳng: 112 (nông nghiệp 48 ngành, chiếm 42,8%); trung cấp: 135 (nông nghiệp 44 ngành, nghề chiếm 32,5%). Trình độ thấp kém của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống.
Khó khăn do tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập
Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, những vị trí thuận lợi thường được ưu tiên cho xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, khu vui chơi giải trí. Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn rất manh mún. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây do thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Như vậy, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Điều này sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các khu vực có hạ tầng nông thôn kém phát triển.
Khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm
Sản xuất NNCNC sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ hoặc khó tiêu thụ được. Hiện nay, ở nước ta, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Mặt khác, khi hiệp định tự do về thương mại giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực, thì cạnh tranh về thị trường tiêu thụ nông sản trong nước sẽ ngày càng gia tăng.
Khó khăn do thiếu nguồn lực
Nguồn lực chủ chốt để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam không chỉ thiếu, mà còn yếu, đó là hộ nông dân và doanh nghiệp. Hộ nông dân là thành phần kinh tế quan trọng, chiếm ưu thế trong thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta (chiếm 99,84% tổng số đơn vị sản xuất nông nghiệp). Tuy nhiên, các hộ nông dân đa phần là có diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (tỷ lệ hộ có diện tích dưới 0,5 ha chiếm hơn 65% số hộ) (Tổng cục Thống kê, 2021). Về nguồn lực tài chính, lượng vốn tiết kiệm để đầu tư tái sản xuất thấp, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay cũng ít do thiếu tài sản đảm bảo. Về nguồn lực lao động, đa phần lao động ở các hộ là lao động cao tuổi và phụ nữ, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao dẫn đến khó khăn trong tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất. Về thị trường mà hộ nông dân hướng tới, đa phần mới dừng lại ở thị trường địa phương, nội địa là chủ yếu với những yêu cầu không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm. Do vậy, đối với hộ nông dân, có vẻ tín hiệu thị trường chưa đủ mạnh để buộc họ phải thay đổi phương thức sản xuất, chuyển sang các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Với nguồn lực sản xuất thiếu và yếu như vậy, rõ ràng các hộ nông dân không đủ điều kiện để đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nếu không có sự hỗ trợ từ các tác nhân bên ngoài.
Doanh nghiệp được coi là nguồn lực chủ chốt, có điều kiện và tiềm năng lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta rất ít. Dù số doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản qua các năm tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng lại giảm về tỷ trọng; năm 2017, 2018 tỷ trọng doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản chiếm 2% trong tổng số doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động, đến năm 2019, 2020, 2021 con số này chỉ còn 1% (Bảng). Điều này cho thấy, có quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn ít hơn rất nhiều lần so với số lượng doanh nghiệp nông nghiệp.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Phát triển NNCNC là cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để giải quyết, cụ thể như sau:
Về cơ chế chính sách có liên quan đến nguồn vốn
Đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vốn là yếu tố vô cùng quan trọng. Do đó Nhà nước cần có chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiếp cận được với nguồn vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao. Các cơ quan chức năng cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong tiêu thụ nông sản
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần được hỗ trợ xúc tiến thị trường thông qua nhiều hình thức, như: tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; Hỗ trợ và khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các website quảng bá sản phẩm.
Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để đăng ký thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, được tạo điều kiện tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ nước ngoài; cần tiếp cận nhanh thông tin về các nghiên cứu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, thị trường…trong sản xuất, thương mại.
Về khoa học - công nghệ
Tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành, viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tập hợp các dữ liệu, tài liệu, mô hình đã có.
Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Global Gap); tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhân lực có vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thức đào tạo có thể dài hạn (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) hoặc ngắn hạn cho cán bộ trẻ có có năng lực học tập và nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (công nghệ sinh học, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến các sản phẩm nông- lâm - thủy sản đáp ứng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) tại các viện, học viện, các trường đại học trong nước và các nước có trình độ khoa học - công nghệ phát triển.
Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ năng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học - công nghệ, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, nhân lực của doanh nghiệp, kỹ thuật viên của hợp tác xã, tổ hợp tác; Đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân, tập huấn cho các doanh nghiệp, nông dân về kiến thức công nghệ cao trong nông nghiệp, khuyến khích triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021), Báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và định hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025, Báo cáo Hội nghị công tác đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 14/11/2021.
2. Hoàng Anh (2011), Tổng quan về nông nghiệp công nghệ cao, truy cập từ http://rausach.com.vn/forum_posts.asp?.
3. ILO, Viện Khoa học giáo dục nông nghiệp (2019), Báo cáo Scan nông nghiệp Việt Nam 2019.
4. Nguyễn Thơ (2013), Vài suy nghĩ về nông nghiệp công nghệ cao, truy cập từ http://nhanongcanbiet.com/nong-nghiep-cong-nghe-cao/.
5. Song Hà (2022). Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, truy cập tại http://quocphongthudo.vn/ kinh-te/xay-dung-nong-thon-moi/viet-nam-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-ben-vung.html.
6. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020.
7. Vũ Quyên (2022), Vốn FDI vào nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, truy cập từ https://baodautu.vn/von-fdi-vao-nong-nghiep-viet-nam-con-nhieu-han-che-d179794.html