Nộp thuế qua mạng sẽ giảm số giờ nộp thuế
(Tài chính) Năm 2015, mục tiêu của ngành thuế là triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng tại 63/63 tỉnh, thành phố. Đây là bước đi cụ thể, hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm mạnh số giờ nộp thuế của Bộ Tài chính ngang bằng với các nước ASEAN. Vấn đề là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ra sao để có thể triển khai thành công dịch vụ này? Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Tổng cục Thuế) Phạm Quang Toàn đã có những trao đổi.
Thực hiện dịch vụ nộp thuế qua mạng ngoài lợi ích của người nộp thuế cơ quan thuế cũng có lợi. Các thông tin khi người nộp thuế trên điện tử đầy đủ, chính xác, giảm bớt nguồn lực của cơ quan thuế khi kiểm tra, điều chỉnh đối với giao dịch không chính xác; tạo nên hình ảnh cơ quan thuế hiện đại, năng động. Đối với ngân hàng khi phối hợp với cơ quan thuế cung cấp dịch vụ này thì tạo giá trị gia tăng, thuận lợi cho khách hàng của mình, giúp cho xã hội đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Các doanh nghiệp khi mở tài khoản tại ngân hàng thực hiện dịch vụ này bắt buộc phải có số dư, như vậy cũng tạo thuận lợi cho ngân hàng huy động số vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp để đầu tư phát triển.
Về mặt xã hội, khi ngành thuế triển khai khai thuế qua mạng được ủng hộ rất nhiều từ Chính phủ, doanh nghiệp. Triển khai nộp thuế điện tử, chúng tôi thấy xã hội cũng chấp nhận giao dịch điện tử đối với cơ quan thuế. Đây cũng là mở rộng các dịch vụ của Chính phủ cho người dân cũng như các dịch vụ giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, tiến tới Chính phủ điện tử để đem lại lợi ích cho dân, Chính phủ, xã hội.
Vậy, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi tham gia nộp thuế qua mạng sẽ thế nào, thưa ông?
Về chi phí máy móc trang thiết bị của doanh nghiệp kê khai thuế thì đã có sẵn. Chi phí về chữ ký số để xác nhận người nộp thuế đối với kê khai thuế thì doanh nghiệp cũng đã có rồi. Khi tham gia nộp thuế điện tử, doanh nghiệp dùng hạ tầng có sẵn sẽ không phát sinh thêm chi phí đầu tư.
Về đăng ký thì cơ quan thuế không thu phí, vì đây là dịch vụ cung cấp miễn phí cho người nộp thuế. Ngân hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ này cũng không phải trả phí. Phí chuyển tiền thì trước đây khi làm thủ công vẫn có phí chuyển tiền từ tài khoản doanh nghiệp sang tài khoản ngân sách. Vì vậy, nếu xét về chi phí, chúng tôi thấy không tăng thêm cho doanh nghiệp khi tham gia dịch vụ này.
Nếu hạ tầng công nghệ thông tin trục trặc có thể dẫn đến việc doanh nghiệp chậm nộp thuế và khi đó, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị phạt. Cơ quan thuế đã tính đến trường hợp này hay chưa?
Về mặt công nghệ thông tin, chúng tôi đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng; Bộ Tài chính đã được cấp hệ thống thông tin để bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục, ổn định. Tuy nhiên về Công nghệ thông tin thì không thể khẳng định hoạt động liên tục 100% được. Đối với nộp thuế điện tử, chúng tôi cũng đang trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định cho phép nếu hệ thống trục trặc cho phép tối đa 3 ngày để người nộp thuế không bị phạt việc chậm nộp thuế.
Bộ Tài chính yêu cầu trước ngày 30/9, các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng phải nộp thuế điện tử. Theo ông thời điểm này có kịp để doanh nghiệp triển khai không?
Hiện, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế cung cấp nhanh và khẩn trương dịch vụ nộp thuế điện tử cho toàn bộ doanh nghiệp, ít nhất được 90% doanh nghiệp trong năm 2015. Về Công nghệ thông tin, theo chúng tôi cũng là yêu cầu khó thực hiện. Việc nộp thuế điện tử thì không chỉ giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế mà liên quan đến cả ngân hàng.
Các ngân hàng doanh nghiệp mở tài khoản, cơ quan thuế phải kết nối, chuyển chứng từ nộp ngân sách để họ cắt chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng sang tài khoản thu Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải nâng cấp, triển khai hệ thống công nghệ thông tin để kết nối với cơ quan thuế, bảo đảm cho người nộp thuế giấy nộp tiền từ cổng cơ quan thuế thì sẽ tiếp nhận và cắt chuyển tài khoản.