Nước mắt tháng Bảy ở miền đất lửa
(Tài chính) Quảng Trị một sáng ngày hè tháng Bảy, cái nắng gắt của miền Trung càng làm dòng mồ hôi thêm mướt mải trên gương mặt mỗi người đang đứng xếp hàng chờ vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Phía hàng cây xa xa, tôi thoáng thấy đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đang đứng trầm ngâm cùng đoàn công tác đợi tới lượt vào... Ai về Quảng Trị tháng Bảy cũng đều như vậy, rưng rưng, bồi hồi, khắc khoải nỗi niềm của sự tri ân, ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ…
Nơi mảnh đất thu nhỏ của cuộc chiến trường kỳ…
Ta về Quảng Trị hôm nay/Bỗng rưng rưng nhớ những ngày chiến tranh/Vết thương đau nhói chưa lành/Trường Sơn ngun ngút các anh yên phần…(Nguyễn Minh Quang).
Chúng tôi đến Quảng Trị đúng vào dịp Bộ Tài chính tổ chức khánh thành công trình nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 sau 3 năm thi công. Công trình được khởi công tháng 7-2011, khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 7-2012 với quyết toán hơn 39 tỷ đồng. Và đến nay, khi đã hoàn thành, Ban chỉ đạo đã tiếp nhận nguồn kinh phí công đức 71,391 tỷ đồng. Trong đó công đức bằng tiền trị giá 68,199 tỷ đồng (ngành tài chính 56,465 tỷ đồng, các đơn vị khác 11,734 tỷ đồng); công đức bằng hiện vật trị giá 3,193 tỷ đồng…
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là một trong hai nghĩa trang lớn nhất cả nước, là nơi yên nghỉ của hơn một vạn liệt sĩ hy sinh trên các chiến trường, chủ yếu là những chiến trường dọc theo Đường 9 nối liền biên giới Việt - Lào về Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và trên nước bạn Lào. Đây là công trình đã nhận được sự ủng hộ của toàn ngành tài chính, tỉnh Quảng Traị, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng sự tham gia, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân thực hiện công đức nâng cấp xây dựng nhằm trân trọng tri ân, tôn vinh những Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến máu xương hy sinh vì Tổ quốc.
Buổi chiều hôm tổ chức lễ khánh thành ấy, ánh nắng chói chang bỏng rát của “đất lửa’ Quảng Trị bỗng đi đâu mất, trời âm u, dịu mát nhưng không mưa. Ở khoảng sân trước đài tưởng niệm, tôi gặp Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đang trò chuyện cùng các cựu chiến binh. Thượng tướng Lê Hữu Đức nói rằng, dân tộc Việt Nam đã trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, trong đó cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ có thể nói là ác liệt hơn cả. Và Quảng Trị có thể coi là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến trường kỳ và đầy cam go, ác liệt, hy sinh đó.
Bởi chỉ tính riêng số liệt sĩ đã hy sinh đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị đã là gần 60 nghìn người. Trong 72 nghĩa trang ấy, có 2 nghĩa trang cấp quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Đường 9. Mỗi “địa chỉ đỏ” ấy là nơi có hơn 10 nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ và ở các nghĩa trang khác trong tỉnh cũng có hàng nghìn người con của khắp miền Tổ quốc nằm lại từ cuộc chiến năm xưa.
Không có địa phương nào trên cả nước lại không có con em chiến đấu, hy sinh ở đây. Quảng Trị không chỉ là một địa danh bình thường nữa mà đã trở thành biểu tượng bất khuất trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và niềm tự hào vô biên của một Đất nước anh hùng.
Cũng ở đó, đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xúc động chia sẻ, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta thắng lợi. Nhưng trong sự nghiệp cách mạng ấy, biết bao nhiêu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt với những địa danh đã đi vào sử sách, đã trở thành huyền thoại vì những chiến công lẫy lừng như Vĩnh Linh lũy thép, Thành Cổ 81 ngày đêm đỏ lửa, Làng Vây , Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9… Là địa phương trắng về bom đạn, tính ra trung bình 15cm bề mặt đất tỉnh Quảng Trị đều được làm lại từ bom đạn. Và chỉ trong chưa đầy 3 tháng chiến đấu giữ Thành Cổ mùa hè năm 1972, quân dân Quảng Trị đã hứng chịu lượng bom đạn có sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản.
Chúng ta hôm nay đang nỗ lực cho công cuộc xây dựng đất nước nhưng không được phép thờ ơ, quên lãng lịch sử vẻ vang, niềm tự hào dân tộc và những mất mát hy sinh của bao nhiêu thế hệ cha anh. Trong đó có cả những hy sinh, gắn bó máu thịt của hai dân tộc Việt - Lào trên chiến trường Đường 9. Công trình nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 thực sự là một công trình văn hóa, lịch sử cho hiện tại và cả mai sau…
Nỗi niềm thế hệ hôm nay
Những ngày ở Quảng Trị, có quá nhiều điều xúc động khó có thể kể hết. Tối hôm tổ chức lễ khánh thành công trình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp lên phát biểu. Từ hàng ghế phía sau, chúng tôi cùng đông đảo bà con nhân dân đến dự buổi lễ giật mình thảng thốt khi nghe tiếng nấc khẽ trên loa. Kiễng chân qua mấy hàng ghế, tôi nhìn lên sân khấu thấy Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp đang lấy khăn lau nước mắt… Đúng là ông đã khóc, khóc thật! Hỏi han một vài cán bộ ngành tài chính, chúng tôi mới được biết, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp có người cha từng là bộ đội chiến đấu tại Quảng Trị và đã hy sinh nằm lại chính Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 này. Lần nào đến đây ông cũng khóc… Giọt nước mắt của ông chỉ là một trong vô số những người Việt Nam hôm nay đã, đang và sẽ còn khóc thương, tưởng nhớ, ghi ơn muôn đời với nhiều thế hệ cha anh mình, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc độc lập tự do.
Có một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng cùng dự buổi lễ hôm ấy cũng đặc biệt xúc động. Mặc dù ông không phát biểu nhưng nhìn cách ông cúi mình kính cẩn lúc tưởng niệm, khi trầm mặc đưa nén hương thơm bái vọng trên lễ đài, lúc cầu siêu hay thả hoa đăng … ai cũng nhận ra sự bồi hồi, tưởng nhớ của ông. Người đó là đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, một người CCB từng tham gia chiến đấu những ngày ác liệt nhất năm 1972 ở Quảng Trị. Nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã nằm lại chiến trường xưa và hôm nay ông đến “gặp” lại họ để tri ân, để nhớ lại những năm tháng hào hùng và bi tráng đó… Có lẽ tâm trạng ông lúc này đang khắc khoải cồn cào như lời thơ của nhà báo, CCB Lê Bá Dương đã viết: “Bạn tôi nằm lại không về/Nghẹn lòng tôi giữa bốn bề khói hương”.
Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại chia sẻ rất mộc và chân thành, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm qua, mảnh đất Quảng Trị khói lửa ngày nào, hôm nay đã có nhiều thay đổi, song địa danh Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, sông Bến Hải, Thành Cổ… gắn liền với những huyền thoại, với những chiến công vẫn còn ngân vang mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt. Công trình được khánh thành hôm nay không những có ý nghĩa to lớn, lan tỏa sâu rộng đến hơn 80 nghìn cán bộ công chức của ngành tài chính mà còn nhận được sự ủng hộ to lớn của nhiều bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành.
Cách đó không xa, bên cạnh hàng bia mộ thẳng tắp, trang trọng, CCB Nguyễn Văn Đỗ, 75 tuổi ở Bố Trạch, Quảng Bình đang ngồi trầm tư sửa lại từng chân nhang cháy dở. Người CCB Sư đoàn 320 ấy kể rằng: “Cứ mỗi dịp tháng Bảy, những ký ức về mùa hè đỏ lửa 42 năm trước lại ùa về trong tôi như mới ngày hôm qua. Dù là thương binh 4/4, tuổi cũng đã cao, sức cũng đã yếu nhưng chừng nào còn đi được tôi vẫn sẽ hàng năm trở về đây để được thăm lại đồng đội, để được kể lại cho nhau nghe câu chuyện suốt nửa thế kỷ qua về một thời hào hùng chúng tôi đã kề vai sát cánh bên nhau để chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam”.
Chắc chắn rằng nói về lịch sử chiến tranh của dân tộc, về Quảng Trị sẽ không bao giờ là đủ cho những tri ân và tưởng nhớ, chúng tôi xin được lấy lời tâm sự của một cô gái trẻ, bạn Trần Hải Vân, Phó bí thư Chi đoàn cơ sở Văn phòng Bộ Tài chính để kết thúc bài viết này: “Em đã đi thăm Quảng Trị rất nhiều, lần nào về đây dịp tháng Bảy em cũng khóc. Cứ bước chân vào Thành Cổ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9, đi qua bờ sông Thạch Hãn… là em lại rưng rưng không kìm nổi nước mắt. Em đi qua mỗi hàng bia mộ liệt sĩ lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Long: Giặc hết lâu rồi/Các chú vẫn nằm đây/Gối đầu lên quê bạn/Cùng bao đồng đội xung quanh./Những người:/Tuổi mãi mãi còn xanh,/trong giấc an lành/vẫn chỉnh tề hàng ngũ/Những người:/Gắn vành sao trên mũ,/dẫu sông cạn đá mòn/vẫn sáng ngời chân lý Việt Nam…
Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt với những địa danh đã đi vào sử sách, đã trở thành huyền thoại vì những chiến công lẫy lừng như Vĩnh Linh lũy thép, Thành Cổ 81 ngày đêm đỏ lửa, Làng Vây , Dốc Miếu, Khe Sanh, Đường 9… Là địa phương trắng về bom đạn, tính ra trung bình 15cm bề mặt đất tỉnh Quảng Trị đều được làm lại từ bom đạn. Công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 của ngành Tài chính thực sự là một công trình văn hóa, lịch sử cho hiện tại và cả mai sau…