Nuôi trồng thủy sản gặp khó
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng thủy sản có giá trị kinh tế cao ở các vùng nuôi trọng điểm trong tỉnh Khánh Hòa như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh… khó tiêu thụ, giá cả xuống thấp. Người nuôi càng thêm lo lắng khi thời tiết đang lúc giao mùa, nuôi trồng thủy sản dễ thiệt hại.
Đã khó tiêu thụ, lại giảm giá
Từ đầu năm đến nay, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã quyết định “treo ao” để tránh thua lỗ. Toàn phường Ninh Hải có 40ha ao đìa nuôi thủy sản nhưng diện tích thả nuôi rất thấp, chủ yếu là ốc hương.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền (phường Ninh Hải), đầu tư nuôi ốc hương đòi hỏi chi phí rất lớn, cứ 1 ao nuôi có diện tích 3.000m2, thả từ 2,5 đến 3 triệu con giống; trong 6 tháng nuôi tốn chi phí khoảng 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ rất khó khăn, giá cả xuống thấp, cộng với tỷ lệ hao hụt khoảng 30%, người nuôi cầm chắc phần thua lỗ. Hiện nay, nhiều nông dân muốn xuất bán để gỡ gạc vốn nhưng vì tình hình đi lại khó khăn, các thương lái ít đến các vùng đìa để thu mua, khiến cho thủy sản nuôi tồn đọng.
Qua rà soát sơ bộ của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa vào cuối tháng 8, nhiều mặt hàng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao ở các địa phương trong tỉnh đang khó tiêu thụ, với sản lượng hơn 1.140 tấn thủy sản các loại.
Cụ thể, huyện Vạn Ninh có 250 tấn tôm thẻ chân trắng, 20 tấn tôm hùm, 350 tấn ốc hương, 50 tấn cá biển tiêu thụ chậm; thị xã Ninh Hòa có 5 tấn tôm sú, 35 tấn tôm thẻ chân trắng, 5 tấn ốc hương, 45 tấn cá biển khó tiêu thụ. Trong khi đó, huyện Cam Lâm có 270 tấn, TP. Cam Ranh có 112 tấn, chủ yếu cá biển nuôi ao đìa và nuôi lồng bị tồn đọng.
Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới, người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ thủy sản hiện nay, cần giải quyết khâu vận chuyển; các cấp, ngành hỗ trợ kết nối tiêu thụ nội địa cho nông dân, tạo cầu nối liên kết giữa đơn vị, tổ chức thu mua thủy sản và người nuôi góp phần ổn định giá nhất là các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ốc hương, các loại cá biển…
Thận trọng thời tiết giao mùa
Thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm nhưng tiêu thụ chậm, không xuất bán được, nhiều hộ buộc phải nuôi lưu giữ trong ao, trong lồng. Nhưng hiện nay, điều khiến họ thêm lo lắng là thời tiết tại các vùng nuôi đang lúc giao mùa, thủy sản nuôi dễ bị sốc thời tiết, môi trường nước biến đổi… gây thiệt hại.
Để chủ động ứng phó với thời tiết, ổn định và duy trì hoạt động nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người dân thận trọng, tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp bảo vệ an toàn cho người và thủy sản nuôi. Trong quá trình nuôi, cần xử lý kỹ nguồn nước đưa vào ao nuôi, quản lý tốt chất thải, tránh để dịch bệnh lây lan ra môi trường. Bên cạnh đó, người nuôi cần tuân thủ khung lịch thời vụ, thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý.
Trước mắt, để tránh thiệt hại do biến động của thời tiết giao mùa, đối với nuôi thủy sản ao đìa, người nuôi cần giữ mực nước trong ao hợp lý; thường xuyên quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ nước, bảo đảm hàm lượng oxy hòa tan phù hợp với sinh trưởng và phát triển của thủy sản, nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Đồng thời, thường xuyên giám sát môi trường, quan sát hoạt động của thủy sản nuôi, khi có dấu hiệu bất thường cần áp dụng ngay các biện pháp như bổ sung nước, tăng cường oxy cho ao nuôi. Bên cạnh đó, cần có chế độ cho ăn phù hợp, bổ sung thêm vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi…
Tình trạng thủy sản ùn ứ kéo theo giá nhiều mặt hàng thủy sản giảm. Hiện nay, ở các vùng nuôi trong tỉnh giá tôm hùm bông loại 1 (hơn 0,8kg/con) chỉ còn 1,65 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh loại 1 (3 con/kg) 550.000 đồng/kg, ốc hương (loại 150 con/kg) 160.000 đồng/kg, tôm sú 180.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng (loại 100 con/kg) 75.000 đồng/kg, cá mú loại 1 chỉ 130.000 đồng/kg, cá bớp 100.000 đồng/kg… Với giá bán này, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản cho biết rất khó để có lãi; tỷ lệ hao hụt nhiều thì hòa hoặc lỗ vốn.