Nút thắt pháp lý trong phương án chuyển đổi của Kim Long

ĐTCK

Sự kiện gây chấn động dư luận trên TTCK tuần qua là việc Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Kim Long công bố ý định chuyển đổi ngành nghề hoạt động từ lĩnh vực chứng khoán sang lĩnh vực đầu tư chuyên sâu, với tên gọi CTCP Tập đoàn Kim Long.

Dư luận người khen, kẻ chê và những tưởng rằng, Đại hội đồng cổ đông Công ty sẽ là cơ quan tối cao có quyền ra quyết định về việc giữ nguyên Kim Long như hiện tại hay chuyển Công ty theo hướng đi mới mà HĐQT đặt ra. Nhưng một câu chuyện khác bất ngờ được mở ra khi Luật sư Trần Vũ Hải phát hiện ra rằng, Luật Chứng khoán hiện hành không cho phép một CTCK đang hoạt động bình thường được chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán để chuyển sang hoạt động kinh doanh khác.

Hy vọng, sau bài viết của Luật sư Hải, ĐTCK sẽ nhận được ý kiến từ các luật sư, các chuyên gia chứng khoán, mổ xẻ các khía cạnh pháp lý trên TTCK, nhìn từ vụ việc của Kim Long, để một mặt giúp các chủ thể trên TTCK có thêm một bài học kinh nghiệm, mặt khác, để sự thật khách quan này sẽ là tư liệu để hoàn thiện thêm một bước Luật Chứng khoán tại Việt Nam.

Ngày 3/3/2011, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS) đã công bố phương án trình Đại hội đồng cổ đông KLS ngày 19/3/2011 về việc chuyển đổi từ Công ty Chứng khoán Kim Long thành Công ty cổ phần Tập đoàn Kim Long. Theo đó, KLS không còn thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán nữa, nhưng vẫn kế thừa tất cả những thế mạnh đó, ngoài ra KLS sẽ kinh doanh bất động sản. Vậy luật pháp xử lý thế nào đối với đề xuất của Hội đồng quản trị KLS?

Về pháp lý, KLS là một công ty cổ phần, điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, trong đó quy định trong Luật Chứng khoán có ưu tiên áp dụng so với quy định khác của Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán quy định (Điều 60): Công ty chứng khoán chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề sau:

a) Môi giới chứng khoán;

b) Tự doanh chứng khoán;

c) Bảo lãnh phát hành chứng khoán;

d) Tư vấn đầu tư chứng khoán.

e) Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh trên công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.

Theo Luật Doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh (trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh) cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong khi theo Luật Chứng khoán (Khoản 2, Điều 59), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho cho công ty chứng khoán. Giấy phép này cũng là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp KLS, nếu muốn bỏ tư cách công ty chứng khoán, Công ty này đương nhiên phải đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động (cũng là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Tuy nhiên, Luật Chứng khoán (Khoản 2, Điều 70) lại không quy định trường hợp thu hồi Giấy phép trên trong trường hợp công ty chứng khoán từ bỏ hoạt động kinh doanh chứng khoán, chuyển sang hoạt động kinh doanh khác (như hoạt động kinh doanh BĐS), mà chỉ trong trường hợp công ty giải thể, phá sản và một số trường hợp khi công ty chứng khoán vi phạm nghiêm trong Luật Chứng khoán. Nói cách khác, công ty chứng khoán chỉ có thể giải thể hoặc phá sản mới thoát khỏi “vòng kim cô” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Và do đó, nếu Công ty muốn tiếp tục hoạt động, Công ty không thể chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán, tức không thể chuyển sang hoạt động kinh doanh khác (như kinh doanh BĐS).

Quy định này cũng là thông lệ đối với những doanh nghiệp ở một số chuyên ngành đặc biệt. Ví dụ: Một công ty luật không thể tuyên bố không hoạt động tư vấn luật và chuyển sang hoạt động thương mại; một ngân hàng không thể quyết định chấm dứt hoạt động ngân hàng để trở thành một tập đoàn sản xuất… Trong những chuyên ngành đặc biệt này (trong đó có thêm kiểm toán, bảo hiểm, hành nghề y dược…), nếu doanh nghiệp không hoạt động tiếp trong chuyên ngành thì doanh nghiệp đó phải chấm dứt hoạt động (giải thể hoặc phá sản), không có cơ chế chuyển sang hoạt động trong chuyên ngành khác.

Giả thiết rằng, Đại hội đồng cổ đông của KLS thông qua đề xuất trên của Hội đồng quản trị KLS, chắc chắn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng không đủ căn cứ pháp lý để chấp nhận phương án theo đề xuất này theo như phân tích trên. Việc HĐQT của KLS công bố thông tin về đề xuất trên đã gây xáo trộn với cổ đông Kim Long nói riêng, TTCK Việt Nam nói chung. Về mặt nào đó, cổ đông của KLS đã bị thiệt hại vì giá cổ phiếu đã giảm từ 12.200 đồng/CP (trước công bố) xuống 10.100 đồng/ CP sau khi có tuyên bố trên của Hội đồng quản trị Công ty.

Lẽ ra, trước khi thông qua đề xuất quan trọng này để trình Đại hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo Công ty cần tham khảo ý kiến của những chuyên gia pháp lý  về chứng khoán, để thẩm định đề xuất này có thực hiện được không theo pháp luật Việt Nam. Việc lãnh đạo KLS công bố đề xuất trên khi mà đề xuất này có nhiều khả năng không thể thực hiện được theo pháp luật Việt Nam hiện hành đã gây hiểu nhầm cho nhiều chủ thể trên TTCK. Cơ quan quản lý TTCK mà cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm có quan điểm chính thức về những vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng chuyển đổi ngành nghề hoạt động của công ty chứng khoán, để tạo sự ổn định tâm lý cho nhà đầu tư, lập lại trật tự thị trường. Bản thân Ban lãnh đạo KLS cần có sự nghiên cứu kỹ hơn những vướng mắc pháp lý, chuẩn bị phương án giải trình trước 28.000 cổ đông Công ty về một hướng đi thuyết phục hơn, phù hợp với pháp luật Việt Nam hơn.