Ô tô Thái Lan “đổ bộ” và nỗi lo của công nghiệp ô tô Việt

Theo enternews.vn

Những lợi thế “đòn bẩy” đang giúp các loại ôtô nguyên chiếc xuất xứ Thái Lan ngày càng “đổ bộ” mạnh mẽ vào Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng lại là lời cảnh báo cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Những lợi thế “đòn bẩy” đang giúp các loại ôtô nguyên chiếc xuất xứ Thái Lan ngày càng “đổ bộ” mạnh mẽ vào Việt Nam.
Những lợi thế “đòn bẩy” đang giúp các loại ôtô nguyên chiếc xuất xứ Thái Lan ngày càng “đổ bộ” mạnh mẽ vào Việt Nam.


Vượt “ông lớn” Trung Quốc

Thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, đã có 2.355 ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ Thái Lan trong tháng 4/2016, đạt giá trị kim ngạch 41,5 triệu USD.

Mặc dù vẫn chỉ đứng thứ 2 trong số 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có xuất khẩu ôtô vào Việt Nam khi xét về giá trị kim ngạch. Nhưng xét trên số lượng, Thái Lan đã chính thức vượt qua Trung Quốc.

4 tháng đầu năm 2016, cả nước nhập khẩu 29.054 chiếc ô tô các loại, trị giá gần 733 triệu USD, tăng mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu ô tô nhiều nhất là từ Thái Lan với 10.155 xe.

Bước sang năm nay, Thái Lan đã soán ngôi vị số 1 về lượng xe nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, kết thúc năm 2015, nước này mới chỉ đứng thứ tư trong số các quốc gia cung cấp xe cho thị trường Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Việc chính thức vượt qua Trung Quốc cả về số lượng lẫn giá trị kim ngạch đang thể hiện lợi thế rõ ràng của các loại ôtô xuất xứ Thái Lan đối với thị trường ôtô và người tiêu dùng ôtô Việt Nam. Hầu hết các loại ôtô nhập khẩu từ Thái Lan đều là xe du lịch (chở người dưới 10 chỗ ngồi) và xe bán tải.

Nhìn vào thực tế có thể thấy rõ ngay từ lúc này, ôtô nhập khẩu từ quốc gia láng giềng đã bắt đầu thể hiện ngày càng rõ vai trò áp đảo của mình. Đối với các hãng xe có nhà máy tại Việt Nam, xu hướng này cũng thể hiện rõ bằng số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan ngày càng nhiều trong danh mục sản phẩm bán ra thị trường. Từ các mẫu xe bán tải như Ford Ranger, Chevrolet Colorado, Nissan NP300 Navara đến các mẫu xe du lịch Honda Accord, Ford Everest…

Nỗi lo của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Mặc dù tại thời điểm này, các yếu tố về thiên thời, địa lợi hay nhân hòa mà xe có xuất xứ Thái Lan chưa thể hiện rõ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng mạnh mẽ thời gian gần đây được coi là sự chuẩn bị cần thiết cho một giai đoạn được nhận định là sẽ cực thịnh của ôtô Thái Lan.

Câu chuyện được đề cập nhiều nhất chính là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước khu vực Đông Nam Á tại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Đầu năm 2017, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ Đông Nam Á về Việt Nam sẽ tếp tục giảm xuống còn 30% và sang đầu năm 2018 sẽ giảm còn 0%.

Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô cũng sẽ thay đổi từ 1/7/2016, với mức giảm 5% (từ 45% xuống còn 40%) cho xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, sau đó giảm tiếp 5% nữa (xuống còn 35%) vào 2018 và xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến dưới 2.0L cũng giảm 5% (từ 45% xuống còn 40%) vào thời điểm này.

Chính sách chung được dành cho cả khối ASEAN. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á hiện nay, ôtô sản xuất tại Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với ôtô xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia bởi đây là 2 quốc gia tập trung nhiều nhất các nhà máy sản xuất của các tập đoàn ôtô lớn trên thế giới như Ford, Toyota hay Honda…

Nếu như thuế nhập khẩu được coi là yếu tố thiên thời của xe xuất xứ Thái Lan thì khoảng cách địa lý là yếu tố địa lợi. Đối với các doanh nghiệp thì đây chính là một lợi thế không hề nhỏ trong bài toán chi phí kho vận.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu xe từ một nước láng giềng như Thái Lan cũng dễ dàng hơn với các doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch hay thay đổi kế hoạch sản phẩm, kinh doanh nhằm thích ứng với những biến động trên thị trường hay điều chỉnh chính sách nhà nước.

Điều đáng nói là Việt Nam đang dần bước vào thời kỳ xã hội hóa xe hơi, tiềm năng của ngành ô tô Việt Nam rất lớn. Tỷ lệ sở hữu xe ô tô cá nhân ở Việt Nam vẫn đứng dưới mức trung bình so với các nước trong khu vực với khoảng 20 chiếc/1.000 dân (tương đương với Thái Lan cách đây 15 năm).

Mức sống của người dân Việt Nam ngày càng tăng, người sở hữu xe cũng tăng theo. Theo dự báo, tỷ lệ sở hữu xe hơi cá nhân ở Việt Nam có thể tăng lên 40 xe/1.000 dân vào năm 2025.

Nhưng, giới chuyên môn lo ngại, Việt Nam sẽ sớm trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn của Thái Lan. Năm 2015, chúng ta chi 3 tỷ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại, trong đó riêng Thái Lan là hơn 400 triệu USD. Các dự báo cho thấy, kim ngạch nhập khẩu xe sẽ còn tăng mạnh, có thể đạt mức gần 10 tỷ USD vào năm 2030.

Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm đã góp phần làm nguồn cung trở nên phong phú hơn. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, nhưng điều đáng buồn lại “rơi” vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi đây sẽ là lời cảnh báo của ngành này trong tương lai./.