Ô tô Việt: Giấc mơ không quá xa vời
Năm 2018 chứng kiến nhiều sự kiện sôi động của kinh tế Việt Nam, trong đó có sự hiện diện của ô tô Việt. Đây không chỉ là giá trị về vật chất mà còn là tinh thần tự hào dân tộc, là nền tảng kỹ thuật và công nghiệp hóa, động lực mạnh mẽ trên con đường đi tới sự phồn thịnh.
VinFast và giấc mơ ô tô Việt
Ngày 2/9/2017, tập đoàn VinGroup, một công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam, xuất phát điểm từ kinh doanh bất động sản đang dần lấn sân sang các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, giáo dục, y tế và nông nghiệp, đã chính thức khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, với quy mô 335 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 3,5 tỷ USD.
Chiều ngày 2/10, thương hiệu ô tô Việt Nam VinFast đã chính thức trình làng hai mẫu xe đầu tiên của mình tại sự kiện Paris Motor Show 2018, đây là bước tiến mang tính bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam.
Theo thông tin từ Tập đoàn Vingroup, ngày 18/1/2018, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast đã hoàn tất hợp đồng sản xuất mẫu xe với nhà thiết kế hàng đầu Pininfarina, đồng thời công bố mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW nhằm phát triển sản xuất.
Bản hợp đồng với Pininfarina để sản xuất 2 xe mẫu Sedan và SUV có giá trị 5 triệu USD. Đây là hai mẫu xe được phát triển dựa trên hai thiết kế đã được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn nhiều nhất tại cuộc thi “Chọn xế yêu cũng Vinfast” trong tháng 10/2017.
Đặc biệt, VinFast đã mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW để phát triển các dòng xe này.
VinFast đã thuyết phục một số nhà thiết kế châu Âu, bao gồm cả Italdesign và Pininfarina để tạo ra phong cách độc đáo cho những chiếc xe hạng trung này. Hơn nữa, VinFast cũng đã mở ra một cuộc điều tra lấy ý kiến của người tiêu dùng Việt Nam về những thiết kế mà họ thích.
Nếu như trước đây, các hãng sản xuất ô tô truyền thống phải tạo ra các mô hình sản phẩm bằng đất sét điêu khắc thì VinFast đã thay đổi điều đó, họ sử dụng một trăm phần trăm công nghệ nhằm cắt giảm thời gian và tăng hiệu quả của việc thiết kế.
Là một doanh nghiệp Việt Nam với khát vọng vươn tầm quốc tế, VinFast đã đưa ô tô Việt lên bản đồ thế giới và chứng minh với các nước về trí tuệ Việt.
Mới đây, chiều 20/11, VinFast giới thiệu ba dòng ôtô đầu tiên cùng xe máy điện tại Công viên Thống nhất. Hai mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 từng xuất hiện tại triển lãm Paris, trong khi xe cỡ nhỏ Fadil lần đầu ra mắt công chúng.
"Xe VinFast được triển lãm ở Paris khẳng định với nhiều nước trên thế giới rằng người Việt chúng ta đã bước lên tầm cao mới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Lễ phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" và ra mắt xe VinFast tháng 11 vừa qua.
Đánh giá cao những nỗ lực của hãng xe đầu tiên mang thương hiệu Việt trong quá trình tạo dựng và ra mắt xe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc VinFast ra mắt xe và kết hợp với VCCI phát động phong trào "Người Việt Nam chinh phục hàng Việt Nam" là rất quan trọng với nền kinh tế tự cường trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Trường Hải và phân khúc xe hạng sang BMW
Trường Hải chính thức nắm quyền phân phối thương hiệu xe sang Đức từ tháng 1/2018, sau khi nhà phân phối cũ là Euro Auto bị cắt quyền vì sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu xe và buôn lậu.
Mới đây, tại hội nghị về Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày 19/12 do Văn phòng chính phủ tổ chức, Chủ tịch Trường Hải cho biết ở mảng xe con, lộ trình của hãng đi từ lắp ráp xe phổ thông Kia, Mazda, tiến tới xe nhập châu Âu tiệm cận hạng sang Peugeot và sắp tới là BMW.
Trả lời với phóng viên, đại diện Trường Hải cho biết, kế hoạch hiện nay vẫn chưa có gì cụ thể về thời điểm, cách thức cũng như sản phẩm lắp ráp.
BMW từng được lắp ráp tại Việt Nam từ 1994 tại Nhà máy ôtô Hòa Bình (VMC) ở Triều Khúc, Hà Nội. Các mẫu xe lắp như 525i, 328i, 325i, sản lượng nhà máy khoảng 100-150 xe/tháng. Kinh doanh không hiệu quả khiến nhà máy ngừng sản xuất từ 2005, VMC mất 2 năm 2005-2007 để bán nốt lượng xe còn lại.
Hiện, Mercedes vẫn là hãng xe sang duy nhất lắp ráp tại Việt Nam, chiếm đỉnh bảng doanh số, bỏ xa các đối thủ. Nếu BMW có thể lắp ráp, giảm giá bán sẽ trở thành đối trọng lớn với đối thủ đồng hương.
Ô tô và ngành công nghiệp xe hơi đã có mặt ở Việt Nam từ khá sớm, song con đường của chiếc xe Made in Vietnam lại vô cùng gian nan. Việt Nam cũng như các nước ở khu vực Đông Nam Á, nơi xe hai bánh, chủ yếu là xe máy chạy nhiên liệu xăng, đã gây ra đến 30% ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không khí có hậu quả nghiêm trọng chính là khí thải từ xe hai bánh chạy nhiên liệu xăng.
Như vậy, với dự hiện diện của hai ông lớn của kinh tế tư nhân Việt Nam, giấc mơ ô tô Việt sẽ không còn là điều xa vời.
Như GS. TSKH Nguyễn Mại từng khẳng định: "Chúng ta đã tự làm được hầm Đèo Cả, Vingroup làm được Vinfast và vừa rồi Thaco khánh thành nhà máy ô tô hầu như là tự động hóa, công nghiệp 4.0. Hoàn toàn có một thực tế là hiện nay chúng ta có một khu vực có thể tạo ra tăng trưởng rất nhanh, đó là khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như lúc nào đó chúng ra mở cửa cho khu vực này thì nó sẽ tăng trưởng và nếu còn kìm hãm thì sẽ không thể lớn mạnh được".