Ðẩy nhanh tiến độ sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước


Tính đến cuối năm 2009, cả nước còn 1.507 DN 100% vốn nhà nước được tổ chức dưới hình thức tập đoàn kinh tế; Tổng công ty nhà nước; các Tổng công ty thuộc tập đoàn, DN thành viên Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập.

Như vậy tiến độ sắp xếp lại DNNN được đẩy mạnh để bảo đảm từ ngày 1-7-2010 tất cả các DN cùng hoạt động theo Luật DN, nhưng riêng cổ phần hóa (CPH) lại bị chậm. Vì sao?
 
Có không ít lý do. Nhiều Tổng công ty, công ty nhà nước chuyển sang mô hình Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ - công ty con nên chủ yếu tập trung vào triển khai các công việc liên quan đến mô hình mới, chưa quan tâm đúng mức đến việc CPH, sắp xếp lại các đơn vị thành viên. Một số DN thuộc diện sắp xếp, CPH trong năm có quy mô vừa và lớn, việc phân tích tình hình tài chính, tài sản, các nguồn vốn và xác định giá trị DN mất nhiều thời gian. Quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn trong việc chọn nhà đầu tư chiến lược, xác định giá đất, chính sách liên quan đến mô hình công ty mẹ - công ty con, Tập đoàn kinh tế. Thị trường tài chính và thị trường chứng khoán (TTCK) trong và ngoài nước thời gian qua có những biến động bất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình CPH và bán DN.
 
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng: Ưu điểm rõ ràng là công tác CPH các DN 100% vốn nhà nước đã góp phần hoàn thiện và phát triển các yếu tố thị trường đặc biệt là TTCK, tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới. Lao động dôi dư ở các đơn vị CPH tiếp tục được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại DN CPH hoặc tự họ thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, CPH. Việc CPH các Tổng công ty nhà nước và DN quy mô lớn đã tạo điều kiện giúp DN này đổi mới phương thức quản lý, huy động vốn đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập. Như vậy, Nhà nước không những có được nguồn thu lớnđể tập trung đầu tư phát triển sản xuất mà còn tác động mạnh mẽ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy TTCK, thị trường vốn Việt Nam phát triển.
 
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nhà nước còn một số vấn đề như: tiến độ sắp xếp, CPH và đa dạng hóa ở một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc CPH các Tập đoàn, Tổng công ty theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vẫn chậm. Cơ chế CPH DN nhà nước hiện nay đã bộc lộ một số điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Một số bộ, địa phương xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh trong CPH còn lúng túng, chưa triệt để, kéo dài thời gian.
 
Ngoài ra, việc giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê công ty nhà nước tuy đã có nhiều điểm đổi mới, nhưng vẫn ít đơn vị thực hiện và chủ yếu áp dụng hình thức giao cho tập thể người lao động trong DN, như vậy quyền lợi người lao động trong DN được chú trọng hơn, nhưng chưa được tạo điều kiện đổi mới phương thức quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ và hiệu quả sản xuất kinh doanh sau chuyển đổi, khả năng cạnh tranh chưa được cải thiện. Việc chuyển các Tổng công ty, công ty nhà nước sang mô hình Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ - công ty con còn mới và đang trong bước đầu triển khai. Việc chuyển đổi các công ty nhà nước sang hoạt động dưới hình thức công ty TNHH nhà nước một thành viên chưa thật sự đổi mới cơ chế quản lý, mặt khác còn hạn chế khả năng huy động vốn nên chưa tác động mạnh mẽ và nâng cao được sức cạnh tranh và hiệu quả của DN sau chuyển đổi.
 
Ðể đẩy mạnh sắp xếp, CPH công ty nhà nước trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Ðất đai để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình DN, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong xác định giá trị quyền sử dụng đất giao và giá trị lợi thế vị trí địa lý đối với các DN nói chung và DN thực hiện chuyển đổi sở hữu nói riêng. Việc hoàn thiện cơ chế CPH nên theo các hướng: đổi mới cơ chế xác định giá trị DN cùng việc nghiên cứu áp dụng cơ chế kiểm toán kết quả tư vấn định giá; đổi mới chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động thông qua nhiều phương thức để tạo sự gắn bó chặt chẽ, lâu dài giữa người lao động với DN; nghiên cứu sớm việc bán cổ phần ưu đãi theo hướng thu hút được lao động giỏi, có thời gian gắn bó lâu dài với DN.
 
Có chính sách thu hút các cổ đông chiến lược, đặc biệt cổ đông chiến lược nước ngoài đáp ứng các tiêu chí về tài chính, công nghệ, thị trường, đào tạo,... hỗ trợ DN phát triển sau CPH; đồng thời xử lý hài hòa để không làm phương hại đến quyền lợi của chủ sở hữu là Nhà nước. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế CPH theo hướng mở rộng phương thức bán cổ phần, quy định rõ hơn phương thức bán cổ phần cho cổ đông chiến lược và cách thức bảo lãnh phát hành, bán thỏa thuận. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính trung gian bảo đảm việc xác định giá trị DN sát đúng giá thị trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước làm căn cứ để sử dụng và kinh doanh vốn nhà nước đạt hiệu quả. Hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước đối với DN sau CPH theo hướng khắc phục những hạn chế trong thời gian qua. Trước mắt, kiện toàn tổ chức Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của các DN sau CPH. Kiến nghị Chính phủ có định hướng chính sách hỗ trợ cho người lao động dôi dư khi tổ chức sắp xếp, CPH các DN 100% vốn nhà nước sau ngày 1-7-2010.
 
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 10-5-2010, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.565 DN và bộ phận DN, trong đó CPH được 3.922 DN (chiếm 70,48%), chuyển thành công ty TNHH một thành viên 355 DN (chiếm 6,37%); còn lại là các hình thức sắp xếp khác 1.288 DN (sáp nhập, hợp nhất, giao bán, khoán...). Trong 3.922 DN cổ phần hóa có 2.282 DN thuộc địa phương (chiếm 58,18%); 1.190 DN thuộc khối Bộ, ngành (chiếm 30,34%), 450 DN thuộc khối Tập đoàn, Tổng công ty (chiếm 11,48%).

Theo: Nhân Dân